17:43 18/02/2009 Người ta vẫn thường nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Khi người dân nô nức đi trẩy hội, đâu đó trên những ngõ ngách, khu phố làng quê vẫn còn những con người đang phải oằn mình trên chiếc xe hai bánh.
Người ta vẫn thường nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Khi người dân nô nức đi trẩy hội, đâu đó trên những ngõ ngách, khu phố làng quê vẫn còn những con người đang phải oằn mình trên chiếc xe hai bánh.
Dường như cơn mưa xuân không cản nổi bánh xe, vì gánh nặng cơm áo đã đè trên đôi vai họ. Hành trang của họ mang theo “chơi xuân” là những tiếng rao hàng đầy ngắc ngoải của một làng nghề… VẤT VẢ MƯU SINH Làng nghề chiếu cói Lật Dương tồn tại cách đây hàng trăm năm, trước kia chiếu làm nộp cho hợp tác xã (HTX) đổi lại họ nhận được thóc tính theo sản phẩm. Khi HTX giải thể người dân đã tìm hướng đi riêng cho mình, từ những người thợ thủ công khi bước chân ra khỏi lũy tre làng họ đã trở thành những người buôn bán thực sự, đem sản phẩm quê hương mình sang các địa phương khác tiêu thụ. Bác Thân, một người có thâm niên trong nghề buôn chiếu cho biết: “Tôi đi buôn từ năm 17 tuổi, hồi đó phương tiện không được như bây giờ. Mọi người phải đạp xe và rao bằng mồm, người dân trong làng ai cũng đi buôn. Phụ nữ, người già thì cuộn chiếu thành từng bó cho lên đầu đội hoặc cho vào đòn gánh tới các địa phương khác tiêu thụ. Con gái trong làng bị trai làng khác chê vì cái giọng ồm ồm, hậu quả của việc rao bán hàng”. Cho đến nay, nhiều người đã sắm được chiếc loa thâu vào băng chỉ việc phát chứ không còn thấy cảnh rao bằng mồm như xưa. Tùy theo sức khỏe, phương tiện đòi hỏi mỗi người chở được bao nhiêu hàng. Tôi cảm thấy “choáng” khi có người chở tới 27 đôi, người đi sau không nhìn thấy đầu người đi trước, chỉ thấy một đống chiếu di động giữa đường phố. Bình quân mỗi người chở từ 15-20 đôi chiếu. Có rất nhiều tai nạn thương tâm diễn ra như trường hợp của anh Thỏa đang bán chiếu trong ngõ, bị một xe máy đi ngược chiều đâm phải để lại người vợ trẻ cùng đứa con thơ. Nhiều trường hợp xe đang đi trên đường bị lật do chở nặng. Thế mới biết kiếm được đồng tiền vất vả dường nào. Bữa ăn của họ hàng ngày là bát cơm, tô canh, ít dưa muối vài hạt lạc rang. Khi được hỏi anh buôn chiếu gì? Đa số họ đều nói chiếu Kim Sơn - Ninh Bình, chiếu Thái Bình, không phải họ chối bỏ sản phẩm quê hương mình mà vì thị hiếu người tiêu dùng. “Mà chiếu Tiên Lãng còn mấy đâu! Cả thôn có 479 hộ dân, giờ đếm trên đầu ngón tay chỉ còn vài chục hộ theo nghề, người dân đã gác go và văng - công cụ làm chiếu lên nóc nhà. Thanh niên, phụ nữ đi làm hết chỉ còn mấy cụ già và cháu nhỏ còn gắn bó với nghề thôi” - một người chua xót nói. NHỮNG CHUYẾN BUÔN XA Trong thời buổi kinh tế thị trường chiếu Tiên Lãng phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng khác như: đệm, chiếu trúc, chiếu nhựa… Cùng với diện tích cói bị thu hẹp do phá bỏ nuôi trồng thủy sản, nó đã đẩy giá thành chiếu lên cao vì vậy sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trong nội thị, buộc họ phải đến những vùng quê nghèo. Không chỉ có đàn ông mà phụ nữ họ cũng gom hàng cho lên xe, rồi một mình thân gái phiêu bạt nơi vùng than địa đầu tổ quốc. Những đứa trẻ 15-16 tuổi cũng bỏ học theo mẹ rong ruổi khắp ngõ xóm làng quê. Anh Nam - một người buôn chiếu tâm sự : “Cả năm mới có ngày tết người ta đi làm ăn xa về quê ăn tết cùng gia đình, còn mình 28-29 tết vẫn tha hương nơi đất khách với món hàng ế ẩm. Vào bán hàng thấy gian thờ đầy đủ đồ tết, con cái họ mặc quần áo mới nghĩ đến cảnh vợ con mình ở nhà trông chờ vào ít hàng với mong muốn cắt cho con bộ quần áo mới và mua sắm đồ tết. Đã có lúc chúng tôi muốn từ bỏ nghề nhưng ngoài nó ra còn biết làm gì”. Ông Nguyễn Văn Niên - Chủ nhiệm HTX chiếu Lật Dương cho biết: “Nếu những người buôn nghỉ cả coi như làng tôi mất nghề, bởi chỉ có họ mới mang sản phẩm sang địa phương khác tiêu thụ”. Rồi ông Niên còn nói một câu đầy trách móc: “Tôi cảm thấy buồn khi họ đã chối bỏ sản phẩm quê hương mình, khi lấy chiếu Kim Sơn - Ninh Bình, chiếu đậu Thái Bình, còn chiếu Lật Dương thì thờ ơ. Mặc dù HTX đã giảm giá thành, thậm chí còn bù lỗ. Trách làm sao được họ, khi tôi tận mắt chứng kiến những chuyến hàng ế ẩm sau mỗi chuyến buôn xa. Sản phẩm làm ra giá thành cao, mẫu mã xấu không thể cạnh thanh với các loại chiếu khác nên họ phải từ bỏ nó, xót lắm nhưng biết làm sao?”. |