Nhồi máu cơ tim - các dấu hiệu cảnh báo sớm và cách xử trí để hạn chế tử vong

    17:22 12/06/2022

    Các chuyên gia Y tế cho biết, trung bình cứ 40 giây trôi qua lại có một ca nhồi máu cơ tim xảy ra, tình trạng nguy cấp này có thể gây tử vong nhanh chóng chỉ sau vài giờ.

    Tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời

    Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.K.T, 66 tuổi (phường Kênh Dương, quận Lê Chân) được chuyển vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng đau ngực, khó thở, sốc tim, tụt huyết áp, duy trì 2 vận mạch. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện đau ngực đã được khám và điều trị ban đầu tại một đơn vị y tế trên địa bàn.

    Tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng, bệnh nhân được chụp và xét can thiệp cấp cứu, kết quả phát hiện động mạch vành phải của bệnh nhân tắc hoàn toàn do huyết khối nhiều trên nền xơ vữa.

    Ekip can thiệp gồm Ths.BSNT Vũ Học Huấn - Trưởng Khoa Tim mạch - Đột quỵ; ThS.BS Phạm Văn Thuận cùng cộng sự đã tiến hành hút huyết khối nhiều lần, lấy ra các cục máu đông đồng thời đặt 1 stent vào vị trí bị tắc. Sau can thiệp ghi nhận dòng chảy tốt, hết huyết khối, huyết động của bệnh nhân đã ổn định, đã cắt vận mạch. Siêu âm tim, thất phải hồi phục tốt, huyết áp người bệnh đã trở lại bình thường.

    Nhưng các bác sĩ đánh giá nguy cơ huyết khối tái phát cao nên sau can thiệp bệnh nhân được duy trì thuốc kháng tiểu cầu kép kết hợp chống đông đường tiêm nhằm giảm nguy cơ tái tắc mạch do huyết khối.

    Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cấp cứu thành công người bệnh nhồi máu cơ tim

    Ths.BSNT Vũ Học Huấn - Trưởng Khoa Tim mạch - Đột quỵ - người trực tiếp thực hiện thủ thuật cho biết: Nhồi máu cơ tim là vấn đề tim mạch rất nguy hiểm. Nếu xử trí chậm trễ, nguy cơ diễn biến rối loạn nhịp tiến triển, suy tim, các biến chứng khác của nhồi máu cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

    Nếu bỏ lỡ “thời gian vàng” thì cơ tim có nguy cơ tổn thương nặng nề và rất khó có cơ hội phục hồi như ban đầu. Rất may mắn ở ca bệnh, người bệnh đã được can thiệp, cứu chữa kịp thời.

    Để phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim cấp, tầm soát và khám tim mạch định kỳ rất quan trọng. Sau can thiệp, đối với người bệnh nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ như: huyết áp, cân nặng, điều chỉnh đường máu, không sử dụng rượu bia, thuốc lá… Bên cạnh đó người bệnh cũng cần chú ý thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên nhằm cải thiện tình trạng bệnh cũng như giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

    Dấu hiệu cảnh báo sớm và xử trí

    Theo các chuyên gia Y tế, nhồi máu cơ tim là bệnh lý cấp cứu, tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Điều quan trọng là người bệnh cần phải nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim từ sớm và xử trí đúng cách để hạn chế nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất.

    Ths.BSNT Vũ Học Huấn - Trưởng Khoa Tim mạch - Đột quỵ chia sẻ, những triệu chứng thường gặp của bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm: Đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến đau nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau có thể kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện. Ngoài cơn đau điển hình, bệnh nhân còn có các triệu chứng: Khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn ói; lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh.

    Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không trải qua các triệu chứng như mô tả ở trên mà chỉ cảm thấy hơi mệt hoặc chỉ cảm thấy khó chịu vùng thượng vị. Cơn đau thắt ngực có thể kéo dài hàng giờ, vì vậy khi có các triệu chứng trên, cần tìm kiếm sự giúp đỡ và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

    Theo Ths.BSNT Vũ Học Huấn, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, lối sống tĩnh tại và tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, gần đây tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30.

    Theo các bác sĩ, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ.

    Khi những triệu chứng ban đầu của cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương. Tình trạng tổn thương khó hồi phục sau 30 phút và tỷ lệ tử vong cao nhất trong vòng 1 giờ đầu tiên xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Và các phương pháp điều trị chỉ đạt hiệu quả từ 2 – 4h đầu tiên khởi phát cơn đột quỵ tim. Do đó, “thời gian” và việc sơ cứu ban đầu đúng cách là yếu tố then chốt tăng cơ hội sống còn, giảm di chứng cho người bệnh.

    Khi phát hiện người bệnh có biểu hiện nhồi máu cơ tim cần bình tĩnh đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm chỗ thông thoáng, sau đó nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng.

    Bước tiếp theo hãy gọi sự hỗ trợ của người xung quanh, gọi số cấp cứu 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự mình chở bệnh nhân đến bệnh viện.

    Trong trường hợp, bệnh nhân ngưng tim thì bước sơ cứu hô hấp trong khi đợi xe cấp cứu đến là phải ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân. Ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi – CPR) cần được tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.

    Các chuyên gia khuyến cáo để phòng ngừa sự phát triển bệnh động mạch vành hoặc làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, ngoài việc lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản như kiên trì tập thể dục hàng ngày, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bỏ hút thuốc lá, việc kiểm soát các bệnh có liên quan cũng có góp phần quan trọng trong quá trình điều trị như huyết áp, đường huyết…

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông