Những nữ dân quân đất Cảng tại lễ diễu binh ngày Quốc khánh 2-9

15:57 19/09/2015

 

Lãnh đạo huyện An Dương, BCH quân sự huyện đến tận thao trường động viên các nữ dân quân
Lãnh đạo huyện An Dương, BCH quân sự huyện đến tận thao trường động viên các nữ dân quân

Đã nửa tháng trôi qua nhưng dường như dư âm hào hùng, đầy tự hào của ngày Quốc khánh 2-9 vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người dân Việt, kể cả kiều bào ở nước ngoài. Đặc biệt, đối với những người được trực tiếp tham gia lễ diễu binh, diễu hành thì niềm vinh dự còn nhân lên gấp bội và là kỷ niệm khó quên sẽ đi theo suốt cuộc đời. Gặp mặt, chuyện trò với 6 nữ dân quân tiêu biểu của huyện An Dương - Hải Phòng tham gia lễ diễu binh, diễu hành ngày 2-9, chúng tôi như được tiếp thêm niềm lạc quan, tin tưởng về ý chí, nghị lực của thế hệ trẻ, sẵn sàng vượt lên khó khăn, thách thức, khổ luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hơn 100 ngày khổ luyện

Buổi chiều một ngày chớm thu, tại hội trường của BCH quân sự huyện An Dương, 6 nữ dân quân trẻ trung, xinh đẹp ùa vào, căn phòng đầy ắp tiếng nói cười rộn rã. Thượng tá Nguyễn Văn Tám - Chính trị viên cho chúng tôi biết: Cùng với cán bộ Quân khu 3, địa phương đã phải tuyển chọn từ lực lượng nữ dân quân của 16 xã, thị trấn mới trụ lại 6 cô gái vừa đảm bảo về tuổi đời, sức khỏe, phẩm chất đạo đức và dung nhan, diện mạo đại diện cho huyện và thành phố Hải Phòng tham gia tập luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành ngày 2-9 năm nay tại thủ đô Hà Nội.

Từ bản trích ngang của các cô gái, chúng tôi mới thấy chị cả của nhóm là nữ dân quân Nguyễn Thị Hương, ở xã Hồng Phong, năm nay mới 25 tuổi, còn em út là Chu Thị Thu Phương, ở xã An Hồng, vừa mới tốt nghiệp THPT. Từ 6 cô gái trẻ toát lên sức sống căng tràn, năng động, rắn rỏi và ấn tượng hơn cả là nụ cười như “mùa thu tỏa nắng”.

Sau giây phút rụt rè, Nguyễn Thị Hương cởi mở trao đổi: Trước đây chúng em cũng mảnh mai, yếu ớt lắm, nhưng sau khóa huấn luyện gần 4 tháng, ai cũng tăng cân, săn chắc, khỏe mạnh. Tăng cân nhiều nhất là em Quỳnh với gần 7 cân, em Phương tăng 6 cân.

Lãnh đạo huyện An Dương, BCH quân sự huyện đến tận thao trường động viên các nữ dân quân
Lãnh đạo huyện An Dương, BCH quân sự huyện đến tận thao trường động viên các nữ dân quân

Không khỏi thắc mắc vì nghe nói chế độ tập luyện khá vất vả mà sao các cô gái trẻ vẫn tăng cân thì các nữ dân quân hào hứng kể lại những tháng ngày khổ luyện và ai cũng nhớ như in từng ngày tháng, giờ giấc, địa danh nơi đi, nơi đến. Theo lời kể của các cô, sau khi được tuyển chọn tại địa phương thì đến ngày 5-5, đội nữ dân quân của Hải Phòng gồm 52 người của 14 quận, huyện được đưa lên tập trung tại Tiểu đoàn 4, Trường quân sự Quân khu 3, thị xã Chí Linh. Sau khi sắp xếp nơi ăn, ở, đến ngày 8-5, cả đội bước vào chương trình tập luyện. Thay vì ăn uống, ngủ nghỉ theo ý thích như khi ở nhà với gia đình, kể từ đây các cô gái sinh hoạt theo khuôn khổ: 4 giờ 30 phút sáng dậy làm vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng; 6 giờ bắt đầu tập luyện điều lệnh đội ngũ tay không như nghiêm, nghỉ, chào, đi đều…

Theo chị cả Nguyễn Thị Hương thì thời gian luyện tập ở Chí Linh còn “nhẹ nhàng”, đến ngày 26-6, cả đội lên tập trung tại Tiểu đoàn 25, Bộ Tham mưu-Bộ Tư lệnh Biên phòng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội mới thực sự là những tháng ngày khổ luyện khó quên bởi những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi sự nghiêm túc, bài bản hơn rất nhiều. Tham gia khối đứng trong lễ diễu binh, diễu hành nên mục tiêu mà các nữ dân quân phải thực hiện là đứng nghiêm từ 3,5 tiếng đến 4 tiếng dưới thời tiết nắng nóng. Để vượt qua thử thách này buộc các cô gái phải có sức khỏe, sự dẻo dai nên khẩu phần chính trong bữa ăn thời gian này là thịt bò.

Cô gái có chiều cao nhất đội là Nguyễn Thị Cúc, cao 1m65 nhớ lại: Với suất ăn 150.000 đồng/ngày, những ngày đầu hầu như đội nữ chúng em không ai ăn hết được. Những lúc ấy, thầy hướng dẫn là chú Vũ Hồng Anh lại tự tay xới cơm, lấy thịt rồi ngồi cạnh động viên cho đến khi chúng em ăn hết thầy mới về chỗ ăn suất cơm của mình. Những lần như vậy khiến chúng em phải suy nghĩ và cố gắng ăn hết suất ăn. Buổi tối thì 21 giờ đã phải lên giường đi ngủ, tất cả điện thoại sẽ được thu lại, đến 18 giờ hôm sau mới trả lại cho các học viên. Vào những ngày hợp duyệt, tổng duyệt, mọi người phải dậy từ 2 giờ sáng. Còn trong ngày chính thức 2-9 thì phải rời doanh trại từ 12 giờ đêm, 3 giờ sáng đã có mặt tại các tuyến đường phố chính của thủ đô Hà Nội, ăn cơm suất, nghỉ ngơi ngay trên đường để sẵn sàng cho lễ diễu binh khi trời sáng.

Để nâng cao thể trạng, cùng với chế độ ăn uống thì cường độ tập luyện cũng nâng lên. Buổi sáng các cô gái phải tập hai bài thể dục quân đội và chạy hai vòng quanh sân vận động của trường. Tiếp đến, trước khi bước vào đội hình đứng, mỗi người phải uống hết 500ml nước có hòa thuốc oresol để chống mất nước. Khi đứng luôn ở tư thế nghiêm, không quay ngang ngửa, không được nhắm mắt, mặt luôn giữ thẳng và không được xin phép ra ngoài với bất kỳ lý do nào. Nếu ai không chịu được, ngất, ngã thì lực lượng quân y sẽ lập tức đưa ra khỏi hàng, sơ cứu, sau đó lại quay trở lại đứng đúng vị trí. Trong những ngày tập luyện, đội hình nữ không ai được bôi kem, phấn hay đánh son để các thầy cô dễ phát hiện ai có biểu hiện sắp ngất, ngã để kịp thời hướng dẫn cách khắc phục như khi thấy chóng mặt thì đảo mắt qua hai bên và hướng ánh nhìn vào chỗ râm.

Khi thấy chân tay tê, buốt vai thì lập tức miết 10 đầu ngón chân trong giày để máu huyết lưu thông. Ngày đầu chưa quen, cũng có tới gần một nửa đội hình bị ngã, ngất, nhưng sau đó ít dần, ít dần. Đặc biệt, khi càng gần đến ngày hợp duyệt, tổng duyệt cho lễ diễu binh, diễu hành thì ai cũng phải cố gắng hết sức, dưới cái nắng, nóng đến 41 độ vẫn phải giữ tư thế đứng nghiêm tới hơn 4 tiếng, không bị ngã, ngất để được đứng trong đội hình chính thức mà không phải là dự bị.

Nữ dân quân Nguyễn Thị Hồng Phương tâm sự: Nghe kể qua điện thoại, bà nội em thương cháu, khóc, nhưng vẫn động viên em cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ mà các cô, chú ở nhà đã giao và được đứng trong quảng trường Ba Đình ngày 2-9, vinh dự nhất trong nhà!

Phương cũng cho biết, duy nhất em là người được về để thi tốt nghiệp đại học, còn 5 chị em còn lại tập trung một mạch từ 5-5 đến hết ngày 2-9 mới về nhà. Thậm chí như em Cúc, gia đình có việc rất cần sự hiện diện của em, song ngày tổng duyệt đã gần kề, em đã đấu tranh tư tưởng và quyết định ở lại. Ở quê nhà, trung tá Ngô Văn Liền - Phó chỉ huy trưởng BCH quân sự huyện đã đến nhà động viên gia đình để em yên tâm tập luyện.

Khúc vĩ thanh

Gác lại những tháng ngày khổ luyện mà chính người trong cuộc cũng không thể ngờ rằng mình có thể hoàn thành xuất sắc, điều quan trọng hơn cả là những xúc cảm đọng lại theo mãi các cô gái trẻ.

Các nữ dân quân Hải Phòng tập luyện trong đội hình khối đứng
Các nữ dân quân Hải Phòng tập luyện trong đội hình khối đứng

Nữ dân quân Nguyễn Thị Cúc bồi hồi: Hát quốc ca là việc vẫn làm, song hát trong không khí của buổi lễ diễu binh hôm đó tại quảng trường Ba Đình, chúng em sẽ không bao giờ quên. Nhất là khi hát xong bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng thì rất nhiều người trẻ trong đội diễu binh, diễu hành đã khóc.

Có lẽ những giọt nước mắt ấy đong đầy niềm vinh dự, tự hào của thế hệ trẻ với lý tưởng, thành quả của cha anh, đất nước. Và sâu thẳm hơn cả là nước mắt cảm động về tình người, tình đồng đội nơi thao trường tập luyện và ở quê nhà. Những nữ dân quân trẻ tuổi giờ đây có thêm những người bố, người chú, người anh, người chị đã có công không nhỏ động viên, sẻ chia, rèn giũa họ trở thành những thanh niên sống có hoài bão, có ích cho xã hội.

Kim Oanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông