Những quy định mới về đóng BHXH áp dụng từ 1-1-2018

20:29 19/12/2017

Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016, trong đó có một số quy định về đối tượng đóng, mức đóng BHXH và điều kiện hưởng chế độ BHXH được áp dụng kể từ ngày 1-1-2018. Thời gian để luật chính thức đi vào cuộc sống không còn nhiều, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc nhằm giúp người dân thành phố nắm rõ hơn những điểm mới xung quanh vấn đề này…

Phóng viên: Xin bà cho biết những quy định mới của Luật BHXH số 58/2014/QH13 sẽ được áp dụng từ 1-1-2018 tới đây!

Phó Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc: Những quy định mới về việc đóng BHXH được áp dụng từ 1-1-2018 gồm: Bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; các khoản bổ sung, tiền lương đóng BHXH; ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.

 BHXH TP tăng cường thông tin những chính sách mới của Luật BHXH tới người lao động

- Điểm mới thứ nhất là về bổ sung một số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

- Điểm mới thứ hai là đối với những quy định về việc tiền lương đóng BHXH. Nếu đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) ...trên cơ sở mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Đông đảo hội viên Hội liên hiệp phụ nữ thành phố quan tâm đến những quy định mới của Luật BHXH

Nếu đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sẽ gồm mức lương, phụ cấp và các khoản thu nhập bổ sung khác. Trong đó phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

       Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động nhằm bổ sung vào tiền lương.

      Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động; tiền ăn giữa ca; xăng xe; tiền đi lại; tiền phép; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong Hợp đồng lao động.

Việc đóng BHXH trên tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu… mức hưởng sẽ cao hơn. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động phổ thông không qua đào tạo thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ. Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Phó Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc giải đáp những thắc mắc của DN về quy định mới của BHXH đối với người lao động

- Điểm mới thứ ba là từ ngày 1-1-2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Người đóng BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ theo phương thức: người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ nộp số tiền đóng BHXH phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu; định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ (mẫu D06-TS), gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.

Phóng viên: Để những quy định mới của Luật BHXH số 58/2014/QH13 áp dụng từ 1-1-2018 đi vào thực tiễn cuộc sống, cơ quan BHXH TP đã có những biện pháp gì để tuyên truyền tới người dân thành phố, thưa bà?

Phó Giám đốc BHXH TP Nguyễn Thị Lộc: Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc để mọi người dân, mọi người lao động hiểu và thực hiện tự giác chính sách BHXH của Đảng, nhà nước nên thời gian qua, BHXH TP đã tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo đài, tới người lao động, các hiệp hội cũng như đơn vị sử dụng lao động.

Cụ thể, ngoài việc đứng ra tổ chức, BHXH TP còn phối hợp cùng BHXH một số quận mở nhiều hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chính sách BHXH cho các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn cũng như hội viên của các hội liên hiệp thành phố.

Thông qua các hội nghị, ngoài việc phổ biến những chính sách mới, chúng tôi còn dành nhiều thời gian để trực tiếp đối thoại, giải đáp mọi vướng mắc về nghĩa vụ, chế độ, chính sách, quyền lợi liên quan đến BHXH đối với doanh nghiệp và người lao động trong quá trình triển khai chính sách vào thực tiễn cuộc sống.

Qua đó giúp đơn vị sử dụng lao động nắm bắt, cập nhật đầy đủ các chính sách, pháp luật mới của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; tạo được sự đồng thuận của các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện chính sách, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để BHXH TP lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ đơn vị sử dụng lao động nhằm đẩy mạnh các mặt công tác cũng như hoàn thiện các chế độ chính sách để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

BÙI HẠNH thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông