10:14 18/09/2022 Bài 3: TỰ SOI, TỰ SỬA, TỰ HOÀN THIỆN Đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân nhưng cũng chính là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Nếu không tự soi, tự sửa, tự răn mình một cách thường xuyên, liên tục thì “con quỷ” của chủ nghĩa cá nhân có thể xâm nhập bất cứ lúc nào.
Không một phút lơ là
Dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước và thành phố Hải Phòng theo dõi rất kỹ, đánh giá rất cao hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra ngày 9-12-2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đặc biệt, bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức lan tỏa sâu rộng, được toàn thể cán bộ, đảng viên nghiên cứu từng câu, từng chữ, để tự ngấm, tự thấm và quan trọng hơn cả là tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện. Hay nói như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhằm tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong lịch sử Đảng ta, hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng. Từ khi bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: hội nghị Trung ương 3 (khoá 7) năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khoá 8) năm 1999 về "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay"... 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Đáng chú ý, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụ thể là: Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; quy định về thi hành Điều lệ Đảng; kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…
Đặc biệt, Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có nhiều điểm mới, quy định mới rất đáng quan tâm. Những điểm mới này được đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu và giải thích rõ ràng.
Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên càng cảm nhận được rõ ràng tính chất, tầm quan trọng của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhận thức rõ trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với hệ thống chính trị.
Gần đây, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành Kết luận số 34 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030… tiếp tục là những “thanh bảo kiếm” của Đảng để góp phần “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Phát huy vai trò nêu gương, tự soi, tự sửa
Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc khó, rất phức tạp, bởi liên quan tới việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, rất dễ đụng chạm. Thế nhưng, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì thế, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày.
Mỗi cán bộ, đảng viên đều đã, đang và rất thấm thía điều này. Bởi trên thực tế, đã có rất nhiều bài học đau xót; nhiều cán bộ cấp cao vi phạm tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự; phải xử lý kỷ luật; khai trừ Đảng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước.
Số liệu cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; về tư tưởng chính trị; có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật nhiều là những con số không vui và rất đáng suy nghĩ. Nhưng từ đây càng thấy rõ nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn phát triển mới của thành phố và đất nước trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất định phải loại bỏ những “sâu mọt” làm ảnh hưởng tới sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Để làm được như vậy, vai trò nêu gương của người đứng đầu có tác động rất lớn. Hãy nhìn vào phòng làm việc của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng phòng làm việc của đồng chí vô cùng bình dị, đơn sơ, chủ yếu là sách, báo; thậm chí một số mảng tường bị bong tróc. Trong khi đó, nhiều cán bộ, dù mới chỉ đứng đầu một cơ quan nhỏ, cứ được nắm chức vụ là vội vã trang trí, thay đổi toàn bộ nội thất cho thật nguy nga, lộng lẫy; xoay hướng cửa, hướng bàn, thậm chí ghế làm việc còn như “ngai vàng”. Họ đã vì cá nhân họ hơn là vì lợi ích của cơ quan, đơn vị và người lao động.
Tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05; triển khai Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu: học tập, làm theo và nêu gương. Điều đó cho thấy, nêu gương có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, người đứng đầu và cả cán bộ, đảng viên mực thước, liêm khiết, giản dị, nêu gương về mọi mặt, trau dồi trí tuệ, đạo đức sẽ thực sự là tấm gương sáng, có tác động lan tỏa mạnh mẽ, làm lay động hàng triệu trái tim để họ học tập, làm theo.
Thế nên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: không phải chờ đợi gì cả, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước, căn cứ vào Nghị quyết, Kết luận và Quy định, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can. Làm được như vậy là mỗi cán bộ, đảng viên đã tự mình đấu tranh “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, góp “những viên gạch hồng” xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024