Nỗ lực “xanh hóa” đất đai của Hợp tác xã sinh thái 3 thôn ở xã Tú Sơn

08:19 09/09/2023

Cách đây nhiều năm về trước, cánh đồng thôn 7, thôn 8 xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy là khu vực cánh đồng bị bỏ hoang lâu ngày không cấy hái, gieo trồng; cỏ lau rậm rạp cao ngập đầu người… Ngày nay, nơi đây đã được khoác lên chiếc áo mới, đó là màu xanh non mơn mởn của những ruộng lúa nếp đương thì, là những thửa ruộng được quy hoạch gọn gẽ. Đất hoang hóa được thổi một luồng sinh khí mới, từng bước được hồi sinh. Có được sự chuyển biến tích cực này chính là nhờ sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của Hợp tác xã (HTX) sinh thái 3 thôn (trụ sở tại thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).

Chia sẻ với chúng tôi về sự ra đời, hình thành của HTX sinh thái Ba thôn, anh Nguyễn Duy Hai – Phó Giám đốc HTX cho biết, nhận thấy trong những năm qua, do đặc thù của địa phương và việc trồng lúa không đem lại hiệu quả kinh tế cao bằng các ngành nghề khác, diện tích bỏ ruộng của người dân xã Tú Sơn ngày một gia tăng.

Mặc dù đã có một số HTX, cá nhân trên địa bàn mạnh dạn tích tụ ruộng đất bằng việc mượn, thuê lại diện tích ruộng bỏ không cấy lúa của nông dân để canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuy nhiên việc tích tụ, chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả chưa cao, chưa hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa.

Trồng lúa nếp là một trong những phương pháp cải tạo đất hữu hiệu được HTX sinh thái 3 thôn áp dụng thành công

Với niềm đam mê dành cho nông nghiệp và mong muốn phát triển kinh tế trên chính quê hương mình, HTX sinh thái 3 thôn được thành lập từ năm 2022 gồm 8 thành viên với định hướng xây dựng, hình thành một vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao trên diện tích đất trồng lúa hoang hóa.

Từ đó phát huy tiềm năng và khai thác lợi thế của các khu vực nằm trên tuyến đường ven biển, tỉnh lộ 361, huyện lộ 403 và đường Nhà Mạc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Mục tiêu của HTX là tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất với diện tích hơn 30ha. Trong đó, chuyển đổi gần 17ha đất trồng lúa sang trồng cây dược liệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi 7,1 ha sang trồng lúa, kết họp nuôi cá nước ngọt và chuyển hơn 1,7 ha đất trồng lúa sang trồng hoa cung cấp ra thị trường.

Sau khi hoàn thiện các bước, toàn bộ sản phẩm sẽ được sản xuất theo quy trình chuẩn, được gắn tem truy xuất nguồn gốc, dự kiến hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng trên 20 tấn dược liệu, khoảng trên 30 tấn thóc; 150 tấn cá nước ngọt các loại; trên 50 loại hoa các loại cung cấp cho thị trường trong xã và các xã lân cận của huyện Kiến Thụy.

Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo huyện Kiến Thụy và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình có đất trồng lúa không canh tác cho HTX thuê lại với kinh phí thuê 200.000 đồng/sào/năm; trả tiền trước 5 năm ngay sau khi hợp đồng được ký kết. HTX đã thiết lập hợp đồng thuê đất với người dân, thể hiện rõ quyền lợi trách nhiệm của người thuê và người cho thuê để người có ruộng yên tâm cho thuê đất.

Hợp đồng là cơ sở pháp lý để giải quyết các chanh chấp dân sự giữa người thuê và người cho thuê ruộng. Sau khi thuê đất, HTX đã thiết lập sơ đồ hiện trạng khu đất trước khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thể hiện rõ vị trí, diện tích đất của từng hộ cho thuê; vị trí diện tích đất giao thông, thủy lợi…

Nói về những khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp, anh Hai cho hay, HTX đề ra mục tiêu hình thành vùng sản xuất trên diện tích đất khoảng 30ha, nhưng hiện nay mới chỉ thuê được khoảng 17ha của người dân. Thêm vào đó, vì là đất hoang hóa lâu ngày nên thời gian qua HTX đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí đầu tư, cải tạo để lấy lại độ màu mỡ cho đất.

Anh Nguyễn Duy Hai – Phó Giám đốc HTX chia sẻ về quá trình cải tạo đất qua phương pháp trồng lúa nếp

Trong số các phương pháp cải tạo đất, trồng lúa nếp là phương pháp hiệu quả và đơn giản nhất. Qua nghiên cứu và được sự giúp đỡ của các ban, ngành chức năng, HTX đã quyết định trồng lúa nếp A Sào trên diện tích khoảng 8ha. Hiện HTX đang tạo việc làm cho 4 nhân công lao động trực tiếp làm cỏ, điều tiết nước, chăm sóc lúa…

Đặc biệt, toàn bộ quy trình từ chọn giống lúa cho đến chăm sóc đều được HTX thực hiện nghiêm ngặt, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng thuốc vi sinh không ảnh hưởng đến môi trường. Kết quả, vụ mùa vừa qua, HTX đã thu hoạch được 20 tấn thóc nếp và đã được các tiểu thương đến tận ruộng thu mua với số tiền bán được là 160 triệu đồng.

Hoạt động của HTX bước đầu đã được các cấp chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đây vừa là niềm vui, vừa là động lực để HTX tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới.

Mới đây, HTX đã cải tạo hơn 7.000 m2 đất để làm nhà lưới, sắp tới sẽ trồng các loại ớt, nấm, tía tô chất lượng cao. Sản phẩm làm ra sẽ được một đơn vị chuyên thu mua nông sản quy mô lớn nhập về để đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục vận động bà con cho thuê đất và cải tạo đất, tiến tới từng bước hoàn thành kế hoạch “xanh hóa” đất bỏ hoang trên địa bàn xã– anh Hai cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Đồng Duy Cường cho hay, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là một giải pháp quan trọng trong việc giải quyết tình trạng hoang hóa đất đai. HTX sinh thái Ba thôn được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu đã tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương. Đồng thời khắc phục được tình trạng bỏ ruộng, góp phần cơ cấu lại nên nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tú Sơn nói riêng và trên địa bàn huyện Kiến Thụy nói chung.

LIÊM ĐOÀN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông