Nỗi buồn thực phẩm bẩn

11:34 11/07/2022

“Khi nào rảnh, mời nhà báo đến nhà uống rượu, tôi đang ủ mấy nồi theo đúng cách truyền thống, ngâm vải khô do tự tay tôi làm, đảm bảo sạch 100%, chứ cứ đua đòi đi mua rồi lại chết vì ngộ độc thì uổng...”, ông Thành vừa nói vừa trút mẻ cùi vải khô vàng óng vào trong hũ rượu…

Có nhiều loại rượu trắng hiện được bán rẻ hơn cả giá gạo.

Từ câu chuyện của rượu

Ông Vũ Ngọc Thành, một người tôi quen ở xã Bát Trang (An Lão), ngoài làm ruộng, mấy năm trước còn có thêm nghề phụ là nấu rượu, vừa bán vừa lấy bã nuôi lợn tăng gia.

Một thời gian, ông được nhiều nhà hàng trong huyện biết đến nhờ sở hữu nguồn rượu vải, đặc sản của vùng quê Bát Trang mà ông rất tâm đắc. Từ ngày có quy định về cấm bán rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, thấy thủ tục đăng ký thương hiệu phức tạp, ông Thành bỏ nghề, thi thoảng mới ủ vài mẻ cho người nhà sử dụng.

Ông Thành cho biết, những năm gần đây thay vì chờ đến cuối năm mới mua rượu “Tây” uống tết, nhiều người chuẩn bị trước vài tháng, đặt rượu nếp nấu truyền thống, hoặc để đến tết cho bớt hơi nồng, hoặc là ngâm với những loại “thuốc vườn” như rễ đinh lăng, vải nhãn khô, chuối hột… rồi hạ thổ.

Tuy nhiên ông Thành cũng bộc bạch: “Giờ rượu trôi nổi nhiều loại độc lắm, nghe nói người ta không nấu mà chỉ ủ men sống rồi lọc rượu ra bán…”.

Để làm chứng, ông Thành dẫn ra những vụ việc mà báo chí đã đưa, như vụ về việc 7 người ngộ độc rượu ở huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh).

Nghe ông Thủy nhắc, tôi mới nhớ lại những vụ ngộ độc rượu cũng xảy ra ở Quảng Ninh cách đây nhiều năm, mà tôi có dịp tiếp cận đưa tin. Thời điểm đó là, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu, tất cả đều liên quan đến nhãn hiệu “nếp Hà Nội” do một doanh nghiệp ở Hà Nội sản xuất, hậu quả có tới 6 người thiệt mạng.

Kết quả giám định lúc đó cho thấy, lô rượu gây độc có hàm lượng Methanol cao gấp gần 2.000 lần mức cho phép. Về chuyện này, ông Thành than thở: “Tôi nấu rượu nhiều năm tôi biết, một nồi 10 kg gạo nếp mới lấy được gần 10 lít tạm ổn, bán ra phải từ 35 nghìn đồng trở lên mới có lãi, đằng này chỉ có hơn chục nghìn đồng/lít mà cũng treo mác rượu nếp, thế mà chẳng ai bảo sao mới lạ…”.

 “Cá khô một nắng” đầy ruồi nhặng do phóng viên mục sở thị

Đến nỗi lo thị trường

Mặc dù theo quy định, rượu nằm trong nhóm hàng hóa được quản lý và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng thực tế đây chính là một trong những loại đồ uống tiêu thụ phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.

Những năm gần đây, bên cạnh rượu nấu bằng phương pháp truyền thống, rượu đóng chai công nghiệp, người ta truyền tụng nhau một công thức mới không cần nấu mà được chế từ men sống.

Điều đáng nói là rượu các loại được bán tràn lan, từ quán nước đến hàng tạp hóa, từ hộ gia đình đến các siêu thị, nhưng có rất ít công bố của các cơ quan chức năng về chất lượng cũng như mức cảnh báo về sản phẩm này.

Nói theo cách khác, nghĩa là hàng trăm loại rượu ghi rõ hay không rõ nguồn gốc đang được bán trên thị trường, loại nào đúng chất lượng, loại nào độc hại hoặc không, người tiêu dùng cứ việc bỏ tiền ra mà thử, khắc biết? Theo một cán bộ ngành công thương, hiện công tác quản lý theo cơ chế “cộng quản” cũng đang bộc lộc những bất cập, mà mặt hàng rượu chỉ là một ví dụ.

Cụ thể, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động buôn bán thuộc ngành công thương, nhưng quản lý về chất lượng thực phẩm lại thuộc về ngành y tế, một số nghiệp vụ trọng yếu được giao cho lực lượng quản lý thị trường, trong khi hàng hóa nông sản thô lại xuất nguồn trừ nông nghiệp, mà việc truy xuất nguồn gốc hiện chưa triển khai được trên diện rộng.

“Riêng về rượu, năng lực sản xuất của Hải Phòng khoảng 5,2 triệu lít/năm, quản lý về sản xuất, lưu thông do ngành công thương, nhưng chất lượng lại thuộc về ngành y tế…” – vị cán bộ này cho biết.

Chẳng riêng gìchuyện rượu, hiện trên thị trường, nhiều loại thực phẩm công khai tồn tại mà người tiêu dùng không biết được bên trong đang ẩn chứa điều gì. Bà Nguyễn Thị Lương ở ngõ 229 Hàng Kênh tâm sự, chuyện những quả cam vỏ tươi rói mà thối bên trong, nho xanh mọng mà dây cuống héo quắt ai nhìn vào cũng thấy, là trái ngược với tự nhiên.

Cũng theo bà Lương, vì lo sợ hàng ngoài luồng, mới đây bà mua mấy cân táo trong một siêu thị lớn nhất thành phố, dự định đem về ăn dần. Để được mấy hôm, thấy quả nào cũng có hiện tượng giống nhau là bị thối loang một chỗ to bằng đồng xu loét sâu vào trong. Hỏi mấy người có kinh nghiệm, họ bảo đấy là điểm cắm kim bơm hóa chất, vì siêu thị có chế độ bảo ôn nên không sao, còn đem về để môi trường tự nhiên nên bị phát tác.

Còn bà Hoàng Thị Lanh ở phường Hợp Đức (Đồ Sơn), một thời chuyên nghề phơi cá khô bán, chia sẻ: “Chả biết vì lẽ gì mà giờ người ta lại thích làm cá phơi một nắng, giống cá phơi đến khô quắt 4 cân tươi mới được 1 cân khô còn lo khó giữ, nói gì phơi toai hoái…”.

Bà Lanh cam đoan rằng, tôm cá tự nhiên mà không ủ muối, phơi một nắng để trong nhiệt độ bình thường, chỉ hai ngày là thối rữa. Thế mà cá khô bán ngoài chợ, nặng gần như còn nguyên con tươi, bày bán trên mẹt ngày này qua tháng khác thịt vẫn quánh hồng. Rồi bà chép miệng: “Ăn gian làm dối trời quả báo, có thế tôi mới phải bỏ nghề…”.

Thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng Hải Phòng phát hiện, thu giữ khi đang được đưa đi tiêu thụ

Dân kêu khó phát hiện là một lẽ, vì dân lấy đâu ra thiết bị để giám định các chất hóa học, vả lại ai trao cho họ cái quyền ấy? Nhưng đằng này, địa phương nào cũng có ít nhất vài ngành để lo quản lý lưu thông và bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng hiệu quả còn hạn chế.

Tâm lý chung của nhiều người hiện nay, là đi dọc ngang các chợ, vỉa hè đến cả siêu thị, nhìn thứ nào ăn được cũng lo bảo quản bằng hóa chất độc hại, rồi nào mực giả, cá tầm, gà thịt nuôi bằng thức ăn tồn dư hàm lượng chất cấm, giá đỗ ngâm thuốc “kích phọt”… thế nhưng chẳng ai chỉ ra được cụ thể.

Khi tôi đem thắc mắc này đặt ra với một cán bộ quản lý chuyên ngành, ông này giải thích: “Lực lượng chuyên môn quá mỏng, thiếu thiết bị và đủ mọi thứ mà phải quản lý phục vụ hai triệu dân thành phố, chưa kể người ngoại lai, trong khi ngân sách cấp không đủ cho việc thu giữ, giám định, tiêu hủy…”.

Nói thì nói vậy, nhưng giữa thời buổi này mà chuyện về an toàn thực phẩm chỉ để nói chơi với nhau như truyền thuyết thì thật khó chấp nhận. Nhất là thời điểm này, khi các đầu mối đang tấp nập gom ủ hàng hóa, chế biến, sản xuất phục vụ mùa du lịch, giữa cái nóng oi bức của mùa hạ.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích