Nơi lưu giữ những kỷ vật tâm hồn

19:53 10/08/2017

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm Xí nghiệp tập thể thương binh (TTTB) Quang Minh ở đường Mạc Quyết, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh. Xí nghiệp có khuôn viên thoáng rộng, nhiều cây xanh, hoa lá, tạo cảm giác khá dễ chịu, thư thái. Ấn tượng và xúc động hơn nữa khi chúng tôi được đến thăm phòng truyền thống của Xí nghiệp TTTB đặc biệt này…

Những kỷ vật chiến trường được trưng bày tại phòng truyền thống Xí nghiệp TTTB Quang Minh

Thành lập từ năm 1996, Xí nghiệp TTTB Quang Minh do thương binh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Hồng Quảng làm Tổng Giám đốc là một trong số các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đầu tiên của thành phố Hải Phòng được công nhận là "Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của thương bệnh binh".

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Xí nghiệp TTTB Quang Minh  đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu của Hải Phòng trong thời kỳ đổi mới.

Từ những ngày đầu thành lập gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cho đến khi đạt được những thành quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay; từng bước phát triển và thành tích của Xí nghiệp đều được lưu giữ một cách đầy trân trọng, tự hào trong Phòng Truyền thống.

Mỗi kỷ vật đều gắn với những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời người lính

Được xây dựng từ năm 2015, Phòng Truyền thống là nơi lưu giữ và trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về quá trình hình thành và phát triển, hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh của Xí nghiệp.

Bước vào căn phòng khá lớn, rất khang trang nhưng gần gũi, ấm áp, ấn tượng đầu tiên chính là khu trưng bày những kỷ vật của người lính năm xưa khi tham gia chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc.

Chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi được tận mắt ngắm nhìn từng kỷ vật của cuộc chiến tranh trường kỳ của cha ông mình đang được lưu giữ cẩn thận ở những vị trí trang trọng.

Đó là những vật dụng phục vụ cuộc sống thường ngày trang bị cho những chiến sĩ như: chiếc bi đông của Thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương sử dụng trong chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1975; là chiếc đài của đồng chí Nguyễn Văn Tịnh, cán bộ Trung đội trưởng Đại đội 18, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, chiến trường Miền Đông Nam Bộ năm 1972; chiếc ca được cấp năm 1971 của đồng chí Đặng Mạnh Cẩn ở Tam Cường, Vĩnh Bảo…

Những kỷ vật chiến trường còn là những vật dụng, vũ khí phục vụ cho chiến đấu như: chiếc Xắc cốt của đồng chí Bùi Xuân Thiếu ở Tiền Phong, Huyện Vĩnh Bảo được cấp năm 1971 phục vụ đi chiến đấu chiến trường Miền Đông Nam Bộ, chiếc xẻng đào hầm, chiếc đèn pin chuyên dụng cùng mô hình của nhiều loại súng, lựu đạn, đầu đạn pháo.

Những chiến lợi phẩm mà chiến sỹ ta thu được sau mỗi trận đánh cũng được lưu giữ ở nơi đây, đơn cử như con dao găm, chiếc khay quân y, đồng hồ của Mỹ… cách đây hơn 40 năm.

Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc Xí nghiệp TTTB Quang Minh, Trần Hồng Quảng chia sẻ: Là một trong những người lính tham gia chiến đấu may mắn được trở về với cuộc sống hòa bình, ông vô cùng trân quý những kỷ vật của một thời oanh liệt.

Mỗi lần chỉ cần ngắm nhìn kỷ vật ấy là nhắc nhớ ông tới những trận đánh oai hùng, nhớ tới những người đồng đội đã nằm xuống, hiến dâng xương máu cho tổ quốc, quê hương.

Từ đó, khiến ông có thêm động lực sống, làm việc và cống hiến nhiều hơn cho ngày hôm nay và mai sau. Mong muốn được thế hệ trẻ thêm hiểu và biết trân trọng lịch sử,  truyền thống ông cha, ông đã làm hết sức mình để vận động các đồng đội trên khắp cả nước tiếp tục đưa những kỷ vật cá nhân vào lưu giữ tại phòng truyền thống của Xí nghiệp.

Tính từ năm 2015, phòng tuyền thống chỉ có một vài trăm kỷ vật, nay đã có gần nghìn kỷ vật được trưng bày. Mỗi kỷ vật là gắn với cuộc đời một người lính với những kỷ niệm không bao giờ quên.

 Phòng truyền thống đã để lại ấn tượng đẹp và niềm xúc động trong lòng mỗi người thăm quan

Ông Quảng xúc động kể cho chúng tôi nghe từng câu chuyện về mỗi kỷ vật. Cầm chiếc bi đông trong tay, chính là kỷ vật chiến trường của mình năm xưa, ông Quảng nghẹn ngào: Năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ.

Đó cũng là năm ông được phát chiếc bi đông lên đường đi chiến đấu. Rời quê hương Vĩnh Bảo, ông hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường Khu 9, rồi được bổ sung vào Sư đoàn 9 - “Quả đấm thép miền Đông” và được vinh dự có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đặc biệt là vào lúc ông bị thương nặng, trong lúc truy kích địch, chiếc bi động cũng luôn bên cạnh ông.

Sau năm 1976, ông trở về quê hương, được đi học và trở thành cán bộ phân xưởng rồi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Rau quả Hải Phòng vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, ông cũng không quên mang chiếc bi đông bên mình.

Mãi đến sau này, chiếc bi đông mới được ông cất giữ tại một nơi trang trọng ở gia đình và nay là ở phòng truyền thống của Xí nghiệp.

Không chỉ có chiếc bi đông của ông Quảng, mà mỗi kỷ vật nơi đây đều có câu chuyện riêng của mình là những bản tình ca nho nhỏ góp phần làm nên thiên anh hùng ca tuyệt vời của cả dân tộc.

Lịch sử luôn là những gì đáng quý trọng và thiêng liêng nhất. Truyền thống là kỉ vật quý của tâm hồn trong hành trang đi tới tương lai của mỗi con người; là ngọn nguồn tạo nên những phẩm chất, sức mạnh kì diệu cho mỗi con người, mỗi tập thể.

Có lẽ, mỗi người đến thăm phòng truyền thống của Xí nghiệp TTTB Quang Minh đều có cảm xúc riêng mình nhưng chắc hẳn ai cũng sẽ tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, biết ơn vô cùng thế hệ cha ông đi trước đã góp phần dành độc lập, xây dựng quê hương đất nước ngày một thêm giàu đẹp hơn…

Xuân Hạ

 

     

        

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông