Nóng chuyện đường ngang dân sinh trái phép

17:46 10/08/2015

 

 

Ùn tắc giao thông đường bộ do ưu tiên chạy tàu tại khu vực Cổng cảng 4
Ùn tắc giao thông đường bộ do ưu tiên chạy tàu tại khu vực Cổng cảng 4

Đây là nội dung chính đưa ra bàn bạc, giải quyết trong buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND thành phố và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ngày 8-7) về việc thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo ATGT các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt vào ngày 8-7 vừa qua.

 Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa bàn TP. Hải Phòng dài trên 24km, điểm đầu tại km 82+500 (thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương) và điểm cuối là cảng Đoạn Xá tại km 106+890 (thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An), đi qua 13 xã, phường thuộc huyện An Dương và các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân.

Trên tuyến, ngoài 1 vị trí giao cắt khác mức với QL5, còn có thêm 117 điểm giao cắt đồng mức với đường bộ khác. Trong đó, có 32 vị trí giao cắt với đường ngang được coi là hợp pháp; 85 vị trí còn lại bị coi là bất hợp pháp do nhân dân tự mở băng qua đường sắt. Trong tổng số 32 vị trí giao cắt hợp pháp kể trên có 10 vị trí giao cắt được bố trí nhân viên ngành đường sắt trực gác; 22 vị trí còn lại không được bố trí người gác mà thay vào đó là lắp đặt thiết bị phòng vệ cảnh báo tự động và phòng vệ bằng biển báo.

Theo báo cáo của Phòng CSGT sắt-bộ (PC67) Công an thành phố, tình hình TNGT đường sắt từ đầu năm 2014 đến nay đã giảm nhiều so với những năm trước đó, tuy nhiên tình hình ùn tắc giao thông trên tuyến lại diễn biến phức tạp, nguy cơ làm gián đoạn thời gian chạy tàu gia tăng cao.

Theo cơ quan đường sắt, đoạn đường sắt nguy hiểm nhất hiện nay là đoạn từ km 82+900 đến km 90+500 (địa bàn xã Lê Thiện đến địa bàn xã Tân Tiến, An Dương) yêu cầu tài xế lái tàu kéo còi dài, liên tục vì cung đường này cong cua nguy hiểm, nhiều đường ngang và thường xảy ra TNGT. Theo thống kê của cơ quản lý tuyến, cung đường sắt từ ga Dụ Nghĩa đến ga Vật Cách dài gần 7km hiện tồn tại trên 50 đường ngang dân sinh cắt qua. Cung đường từ ga Vật Cách đến ga Thượng Lý dài 3,5km tồn tại gần 50 đường ngang dân sinh. Cung đường sắt từ ga Thượng Lý đến ga Hải Phòng dài 4km có tới gần 70 đường ngang dân sinh trái phép mở ra. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn giao thông đường sắt, ảnh hưởng đến khả năng chạy tàu, làm hạn chế năng lực khai thác hệ thống đường sắt hiện có.

Toàn thành phố mới có 4/13 phường, xã ký cam kết phối hợp thực hiện Quy chế quản lý TTATGT đường sắt số 24/QCPH-BGTVT-UBND ngày 28-6-2013 giữa UBND thành phố và Bộ Giao thông vận tải. Còn lại 9/13 phường, xã có tư tưởng né tránh, coi đó không phải là nhiệm vụ ở cấp chính quyền cơ sở. Ngành đường sắt thì chậm trễ khắc phục kịp thời các thiếu sót, hư hỏng hệ thống biển báo hiệu giao thông, vạch sơn, hệ thống tín hiệu đường ngang với đường sắt tại những vị trí được coi là hợp pháp.

Để đảm bảo TTATGT đường sắt, kiềm chế TNGT, chống ùn tắc giao thông đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu, Phòng cảnh sát giao thông bộ sắt CATP đề xuất một số vấn đề có tính kỹ thuật  và quản lý nhà nước. Đó là việc cần thiết nghiên cứu đầu tư làm đường gom, xóa bỏ trên 20 đường ngang băng qua đường tàu hiện tại trên đoạn từ km 82+900 đến km 84+700, thuộc xã Lê Thiện (An Dương).

Đơn vị quản lý tuyến triển khai lắp đặt hệ thống chuông cảnh báo tự động trên đường ngang tại các vị trí: km 83+080 đi vào thôn Kim Sơn (Lê Thiện), vị trí km 89+550 đi vào UBND xã Tân Tiến (An Dương). Trong quy trình vận hành tàu chạy, yêu cầu tài xế lái tàu kéo còi dài, liên tục trên cung đường từ km 82+900 đến km 90+500 (địa bàn xã Lê Thiện đến địa bàn xã Tân Tiến, An Dương) vì cung đường này cong cua nguy hiểm, nhiều đường ngang, thường xảy ra TNGT.

Ở khu vực nội thị, thành phố thống nhất, kiến nghị ngành đường sắt sớm khảo sát, triển khai lắp đặt hệ thống chuông cảnh báo tự động, bổ sung biển báo hiệu và cải tạo các chắn tàu Ngã 6 (km 102+440); xây dựng chắn tàu có người gác tại vị trí km 103+140 (khu vực cổng Cảng 3), nơi giao cắt giữa đường Lê Thánh Tông - Trần Khánh Dư.

Trở lại cuộc họp ngày 8-7 vừa qua, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn và ông Phạm Công Định, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt đã chỉ đạo các cấp, ngành thành phố, đơn vị quản lý đường sắt nghiêm túc hơn trong việc thực hiện Quy chế phối hợp số 24/QCPH-BGTVT-UBND nói trên. Trong đó, ngành đường sắt phải triển khai ngay việc sửa chữa cải tạo các vị trí đường ngang và bổ sung hệ thống cảnh báo, người gác chắn tàu tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông cao như Km84+450 và Km95+515; Sở GTVT tiếp tục đầu tư thi công đường gom xóa bỏ đường ngang và lối đi dân sinh trái phép tại một số đoạn.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện quy chế phối hợp giữ gìn TTATGT đường sắt
Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện quy chế phối hợp giữ gìn TTATGT đường sắt

UBND các quận, huyện phối hợp với ngành đường sắt tổ chức ký cam kết thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm TTATGT đường sắt. Sở GTVT triển khai ngay việc lắp chuông và đèn tự động tại 8 vị trí giao cắt được coi là bất hợp pháp, có nguy cơ cao tai nạn giao thông khi chưa làm được đường gom. Về lâu dài, ngành đường sắt và UBND thành phố nhanh chóng tiến hành cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT đường sắt, tiến hành giải tỏa và triển khai các hạng mục hàng rào hai bên (khu vực nội thị), làm đường gom khu vực ngoại thành để chống lấn chiếm, xâm hại hành lang ATGT đường sắt.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông