Nước sạch nông thôn: Kỳ 1 - Thỏa cơn khát cho người dân

19:57 17/07/2017

Nước đạt QC02 không còn phù hợp với yêu cầu của người dân nông thôn

Nước đạt QC02 không còn phù hợp với yêu cầu của người dân nông thôn

Không còn cảnh người dân nông thôn Hải Phòng phải sử dụng nước ao, hồ, sông suối, giếng khơi để phục vụ sinh hoạt, thậm chí là ăn uống hàng ngày, giờ đây nước máy đã “gõ cửa” từng nhà và ra tận huyện đảo. Đó là thành quả của cả quá trình dài hơn 10 năm thành phố nỗ lực thực hiện Nghị quyết 51/2003/HĐND giai đoạn 2003 đến 2010 và quy hoạch giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 về chương trình nước sạch nông thôn.

Đáp ứng yêu cầu bức thiết

Nghị quyết 51 của HĐND TP khóa XII, nhiệm kỳ 1999-2004 được đánh giá là rất phù hợp, giải quyết được cơn “khát” nước sạch khi đó của người dân nông thôn, phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, VSMT nông thôn của Chính phủ. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình nước sạch sinh hoạt nông thôn từ thành phố đến tận các xã, thị trấn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng đã góp phần làm thay đổi tư duy của người dân nông thôn, giúp họ thay đổi, thói quen từ sử dụng nước ao, hồ, giếng khơi sang sử dụng loại nước sạch, hợp vệ sinh hơn.

Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, từ năm 2009, thành phố còn tổ chức các lớp tập huấn, tiến hành điều tra, đánh giá các chỉ số nước sạch nông thôn; tổ chức vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống cung cấp nước theo tiêu chuẩn hiện hành.

Chương trình nước sạch nông thôn ngày đó rộ lên. Để thỏa khát vọng chính đáng đó của bà con, hàng loạt các dự án, đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2003-2005, 2007-2010, 2011-2015 và quy hoạch cấp nước sạch, VSMT nông thôn giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020 đã được phê duyệt. Ngoài nguồn vốn đầu tư của TW theo chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố đã hỗ trợ ngân sách, các địa phương huy động vốn của doanh nghiệp, HTX Nông nghiệp, HTX dịch vụ và các hộ được hưởng lợi từ dự án đổ vào chương trình với tổng nguồn vốn khá lớn, tăng theo từng giai đoạn.

Theo ông Phạm Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Nếu như giai đoạn 2003-2005, kéo dài đến hết năm 2006, Chính phủ đã hỗ trợ gần 8 tỷ đồng, ngân sách thành phố trên 13 tỷ đồng, vốn huy động từ dân và các thành phần kinh tế khác đạt gần 4 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đạt gần 25 tỷ đồng, xây dựng được 1 công trình cấp nước quy mô lớn, 60 công trình quy mô trung bình; 2.300 bể nước mưa, trên 10.000 giếng khoan tay thì sang đến giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư đã tăng vọt lên trên 118 tỷ đồng, gấp 4,72 lần giai đoạn 2003-2005.

Trong đó, nguồn vốn Chính phủ đạt 28,6 tỷ đồng, ngân sách thành phố đạt 29,5 tỷ đồng, đặc biệt vốn dân và các thành phần kinh tế khác tăng lên trên 60 tỷ đồng, xây dựng được 9 công trình cấp nước quy mô lớn, 45 công trình quy mô trung bình.

Nâng cao chất lượng sống

Mặc dù từ năm 2016 đến nay, Chính phủ ra quyết định chuyển chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch, VSMT nông thôn thành dự án thành viên của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nguồn vốn TW cấp trực tiếp cho chương trình không còn nhưng Hải Phòng vẫn đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Thành phố đã có chủ trương nâng cấp hệ thống nước sạch cung cấp cho khu vực nông thôn đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN:01:2009/BYT của Bộ Y tế.

Chiếu theo đó, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã thu hút được 6 doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp, mở rộng các nhà máy nước sạch nông thôn trên địa bàn 5 huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Dương với tổng kinh phí đạt trên 200 tỷ đồng. Thêm vào đó, một số nhà máy cấp nước sạch cho khu vực đô thị đã mở rộng thị trường, vươn ra cấp nước cho các xã ven đô.

Nhờ vậy, tính đến nay, tỷ lệ người dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98,6%. Toàn thành phố đã có 70/153 xã được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn QC01. Mặc dù chưa với tới tất cả các thôn trong một xã nhưng người dân khu vực ven đô cơ bản đã được dùng nước sạch. Về nông thôn ngày nay, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy cảnh trẻ con thôn xóm cứ sáng sớm, trưa hay chiều đến là hẹn hò nhau ra ao, sông suối tắm đã trở thành hi hữu. Cảnh các bà, các chị gồng gánh xô thùng ra ao, sông hay sang nhà hàng xóm xin nước về giặt giũ, nấu ăn cũng không còn nữa.

Thay vào đó là nguồn nước trong mát từ bể chứa nước mưa, nước giếng khoan hay nguồn nước máy của gia đình mỗi khi cần sử dụng. Có thể khẳng định, chương trình nước sạch đã góp phần to lớn nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho bà con nông dân; làm thay đổi diện mạo, kéo nông nghiệp, nông dân, nông thôn xích lại gần hơn với khu vực nội đô.

(còn nữa)

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông