Nuôi ba ba trơn, ba ba gai thương phẩm: Lựa chọn mới cho nhà nông

14:48 08/09/2023

Với khoảng 1.300 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, bao năm qua, đối tượng nuôi được huyện Tiên Lãng lựa chọn chủ yếu là các loài cá nước ngọt truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép, rô phi...

Những năm gần đây, do chịu tác động của dịch Covid-19, kinh tế khủng hoảng, chi phí thức ăn tăng cao, giá đầu ra của sản phẩm cá nước ngọt truyền thống lại giảm khiến cho hiệu quả nuôi thấp và bấp bênh.

Trước thực trạng trên, xét thấy ba ba trơn, ba ba gai là loài thủy sản đặc sản giống mới cho giá trị kinh tế cao, ông Nguyễn Đức Cải, ở thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng, đã xây dựng mô hình nuôi thương phẩm ba ba trơn, ba ba gai trên diện tích ao gần 2.000 m2. Đây là diện tích ao nuôi được gia đình ông Cải chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sån.

Triển khai mô hình từ năm 2022, gia đình ông Cải đã dành 11 ao nuôi với diện tích 136m2/ao, sâu 1,2m nước để nuôi ba ba trơn. Đối với nuôi ba ba gai thương phẩm, gia đình đã dành 3 ao, mỗi ao có diện tích 133m2, sâu 1,2m nước. 

Từ việc xây dựng ao nuôi, bờ kè, rải cát mịn dưới đáy ao, tạo độ dốc của ao, cách bố trí bè gỗ cho ba ba lên phơi nắng, cách cải tạo mương ao cho đến chế độ chăn sóc, quản lý…, đối với từng giống ba ba nuôi đều được gia đình ông Cải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông huyện đã mang lại hiệu quả kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường cao.

Cụ thể, ba ba trơn sau 16 tháng nuôi đã cho trọng lượng đạt từ 1,2 – 1,5kg/con; tỷ lệ sống đạt 80%; sản lượng ba ba thu được ước đạt khoảng 3,12 tấn. Sau khi trừ tất cả chi phí con giống, thức ăn, chi phí cải tạo, công chăm sóc, khấu hao tài sản cố định tiền lãi thu được khoảng 450 - 500 triệu đồng.

Đối với ba ba gai, sau 17 tháng nuôi cho trọng lượng đạt từ 2-2,3kg/con; tỷ lệ sống đạt 70%; sản lượng thu được ước đạt trên 920kg. Sau khi trừ tất cả chi phí nuôi đi, tiền lãi thu được đạt khoảng 220-250 triệu đồng.

Cán bộ khuyến nông giúp ông Cải kiểm tra dịch bệnh trên ba ba nuôi

Về hiệu quả kinh tế, mô hình đã giúp tăng thu nhập cho người nuôi vì đây là loài đặc sản cho giá trị kinh tế cao, có giá bán thương phẩm đạt từ 340.000 - 370.000đ/kg ba ba trơn, 550.000 - 800.000đ/kg ba ba gai. Sau khi trừ tất cả chi phí, tổng lợi nhuận thu được của gia đình ông Cải đạt 670 – 750 triệu đồng/lứa ba ba, cao gấp nhiều lần so với nuôi các giống con nuôi truyền thống khác trong cùng một khoảng thời gian, trên cùng một đơn vị diện tích nuôi.

Đáng chú ý, mô hình nuôi ba ba thương phẩm của gia đình ông Cải sử dụng 80% thức ăn là cám viên công nghiệp lại có thể tận dụng phát triển nuôi ở những ao có diện tích nhỏ lẻ khoảng trên 100m2 trở lên, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa có thể tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Được biết, đây là mô hình đầu tiên nuôi thương phẩm ba ba trơn, ba ba gai cho hiệu quả cao tại xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng. Ba ba trơn, ba ba gai là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của Hải Phòng nói chung, của xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng nói riêng. Việc xây dựng thành công mô hình của gia đình ông Cải sẽ mở ra hướng chuyển đổi đối tượng thuỷ sản nuôi mới cho giá trị cao, góp phần đa dạng sản phẩm thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi.

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông