Ổn định giá xăng dầu để cân bằng trạng thái kinh tế

16:01 08/10/2022

Trong lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 3/10, giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm mạnh, tương ứng với mức giá cùng thời điểm năm trước. Điều đáng nói là, so với mức giá đỉnh được thiết lập cuối quý 1/2022, giá xăng dầu tại thị trường trong nước đã giảm trên 50%, trong khi giá thế giới chỉ giảm với mức bình quân 33%. Cho thấy, việc giá xăng dầu trong nước giảm, ngoài nguyên nhân giảm của giá thế giới, còn có sự tác động rất lớn từ chính sách vĩ mô.
Giá xăng dầu đã trở lại tương ứng với cùng thời điểm năm 2021

Nhìn lại chuỗi tăng giá kể từ đầu năm, sự vận động của xăng dầu trong nước cũng cơ bản tỷ lệ thuận với mức tăng giảm của thị trường thế giới, đặc biệt từ thời điểm xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên giá bán lẻ xăng dầu ra thị trường được cấu thành từ nhiều yếu tố, hoàn cảnh mỗi quốc gia khác nhau, dẫn đến cơ chế cũng khác nhau. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, vì tổng thuế suất áp lên nhóm mặt hàng này quá cao, dẫn đến giá thành xăng dầu trong nước tăng cao?

Thực tế, thời gian qua biến động của thị trường xăng dầu luôn là đề tài nóng trong hoạt động vĩ mô, tại diễn đàn Quốc hội, nội dung này cũng nhiều lần được đưa ra bàn thảo. Việc giảm thuế bao nhiêu và giảm loại thuế nào, phương thức thế nào đều được cân nhắc hết sức thận trọng.

Bởi nước ta vẫn chưa giàu, nguồn lực có hạn, mà nguồn lực quốc gia được thiết lập từ thuế, vốn dĩ đã hao mòn rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Việc cắt giảm thuế không riêng gì đối với xăng dầu, đều dẫn đến nguồn lực đất nước suy giảm, trong khi chúng ta vẫn tiếp tục những chính sách hỗ trợ hậu quả của dịch Covid-19, với việc giãn hoãn nhiều khoản thu lớn.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chi phối rất lớn đến thị trường cũng như sinh hoạt cộng đồng, nên được người tiêu dùng quan tâm là lẽ bình thường, và thông thường mỗi lần giá mặt hàng này tăng, ngay lập tức thị trường có hiệu ứng.

Khỏi phải nói đến tác động của nhóm hàng nhiên liệu đối với xã hội, từ vận hành phương tiện giao thông đến tư liệu sản xuất, nên trong cơ cấu giá thành hàng hóa nói chung, tỷ lệ cấu thành từ chi phí xăng dầu rất lớn, nhất là chi phí cước vận chuyển. Vì tính thiết yếu đó nên dù giá nhiên liệu tăng đến mấy cũng phải dùng.

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, thu nhập của người dân giảm sút, khi giá xăng dầu tăng cao đã tạo ra tâm lý không mấy tích cực. Hơn nữa, điều này đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa, vốn dĩ cũng đang chịu nhiều áp lực trong vòng xoáy dịch bệnh.

Cụ thể, cũng tính từ đầu năm 2022, giá hầu hết các nhóm hàng thiết yếu đã tăng và lập mặt bằng giá cao kéo dài, tác động xấu tới sinh hoạt cộng đồng cũng như cả nền kinh tế.

Ổn định giá xăng dầu là yếu tố quan trọng trong bình ổn thị trường hàng hóa

Trở lại với việc xăng dầu giảm giá, tính từ đầu năm đến nay, trong 26 đợt điều chỉnh, giá xăng dầu, có 12 đợt điều chỉnh giảm, so sánh từ đỉnh giá trong năm với mức giá hiện tại, bình quân nhóm hàng hóa đặc biệt này đã giảm 52%.

Đây là tin vui bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, giúp cho giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giảm theo và kích cầu tiêu dùng. Càng ý nghĩa hơn, nếu như mức giá này tiếp tục được duy trì hoặc giảm tiếp, khi thị trường cuối năm đã khởi động, mọi diễn biến vốn dĩ khó lường.

          Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành có liên quan đã tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số sắc thuế như: thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu…

          Bên cạnh đó, từ trước thời điểm tháng 8, đối với các nước khu vực Asean, mặt hàng xăng dầu nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế từ 20 đến 25%, thì nay đều đã giảm theo lộ trình cam kết xuống ngưỡng 10%.

          Tiếp nữa, nếu như trước kia nguồn nhập khẩu xăng dầu chủ yếu bị chi phối bởi thị trường Singapore và một số nước trong khu vực, thì nay Việt Nam đã chủ động khai thác từ nhiều nguồn khác, góp phần đảm bảo sự ổn định cả về lượng và giá.

          Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ đầu năm tới nay Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu và bằng mọi cách, Bộ Công Thương sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

          Tuy nhiên, thời gian qua trong dư luận xã hội xuất hiện những thông tin không mấy tích cực, thiếu kiểm chứng, đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước.

          Chẳng hạn như việc một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dừng hoạt động do bị rút giấy phép hoặc xử lý vi phạm hành chính, thì qua truyền thông lại bị hiểu theo hướng khác tạo ra dư luận thiếu tích cực.

          Bên cạnh đó, nếu như trong diễn biến tăng giá nửa đầu năm, xăng dầu được cho là thủ phạm chính dẫn đến mặt bằng giá hàng hóa khác tăng cao. Thì thời gian gần đây, khi xăng dầu liên tục giảm giá, thì giá nhiều nhóm hàng hóa khác vẫn chưa được điều chỉnh giảm theo hoặc giảm không tương xứng.

          Đây là vấn đề cần được đánh giá một cách toàn diện, tính tóa cụ thể tỷ trọng tác động cũng như cơ cấu giá xăng dầu đối với thị trường nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Dù vẫn biết trong nền kinh tế thị trường, việc hình thành giá cả là kết quả mang nhiều yếu tố vận động tự nhiên của quy luật cung – cầu.

          Nhưng đối với nền kinh tế Việt Nam, sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước mang tầm chi phối rất lớn, mà phương thức đối với nhóm hàng xăng dầu thời gian qua là một ví dụ.

          Như đã đề cập, thời gian đã sang quý 4, đây là thời điểm thị trường sôi động theo thông lệ cuối năm, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường và hết sức nhạy cảm. Trong hoàn cảnh này, việc tiếp tục giữ ổn định giá và nguồn cung xăng dầu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

          Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thì việc cần làm trước tiên là các cơ quan quản lý cần minh bạch, truyền thông phải khách quan, thông tin phải kịp thời đến dư luận xã hội về thị trường xăng dầu.

          Bên cạnh đó phải tăng cường công tác quản lý, điều hành, thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu đảm bảo đúng quỹ đạo. Trong đó kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đầu cơ, tích trữ, tung tin thất thiệt trái pháp luật nhằm lũng đoạn thị trường, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.

          Được biết, Bộ Công thương theo thẩm quyền được giao cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, thực hiện chiến lược chủ động nguồn cung để trong mọi tình huống phòng ngừa sự cố đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu.

          Đồng thời đề nghị các cấp ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước cùng vào cuộc, vận động bình ổn thị trường xăng dầu để góp phần cân bằng trạng thái kinh tế, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ dó góp phần tạo ổn định xã hội.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông