“Ông đồ” - Trao đầy thi cảm nhân văn

08:43 27/01/2023

Nói đến những thi cảm nhân văn, hoài niệm về quá khứ, ngoài “Xóm Ngự Viên” (1941) của thi sỹ nổi danh Nguyễn Bính, người yêu thơ ai cũng nhớ, không thể quên được thi phẩm “Ông đồ” của Vũ Đình Liên - một trong những nhà thơ đầu tiên của phong trào thơ mới đầu thế kỷ 20.

Ông đồ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay”

 

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Vũ Đình Liên

Không khoáng đạt, mộng mơ. Không bi lụy, siêu thoát, cuồng say, hào hùng. Cũng không vồ vập, ồn ào. Bài thơ từng khiến bao thế hệ hôm nay phải day dứt ấy có một bút pháp riêng và khác biệt đến lạ lùng.

Đó là cách miêu tả mộc mạc và tao nhã, kiệm lời, đa ý, kín đáo giãi bày tâm trạng song có sức lay động thật sâu xa.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bức tranh được mở ra với khung cảnh ngày xuân náo nức, một thông điệp thoáng biết về sự hiện diện của ông đồ quen thuộc, để khổ thơ tiếp sau khắc họa rõ hơn:

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay.

Dòng đời biến chuyển. Chẳng mấy ai còn thuê viết đại tự, câu đối; còn xin chữ nhân ngày đầu xuân nữa. Ông đồ trở thành một cái bóng lạc lõng, nhạt nhòa...

Có thể thấy, nhà thơ trong tâm trạng đầy chia sẻ và cảm thông. Phải chân thực, đồng cảm và nhập cuộc lắm, thấu hiểu lắm, Vũ Đình Liên mới hạ được hai câu tuyệt diệu này:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

Nhịp sống như một dòng chảy cuốn đi. Ông đồ còm cõi ngồi trong lặng lẽ. Lá vàng rơi và mưa bụi bay. Cứ ngỡ thế đã đủ sự tinh tế, chắt lọc cho dư ba của thơ lan xa, tỏa rộng. Và thật bất ngờ, Vũ Đình Liên còn dùng điệp khúc chuyển ý sắc gọn, tương phản với đoạn đầu bài:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Từ hình ảnh cụ thể, khơi gợi cho ta liên tưởng về tầng sâu chữ nghĩa. Vượt khỏi tính trần thuật, những vần thơ dồn chứa cảm xúc hoài cổ trong sáng, lắng đọng, xúc động lòng người.

Vũ Đình Liên viết “Ông đồ” năm 1936, khái quát rất tài tình thời khắc mỏng manh đan xen giữa quá khứ và hiện tại; ẩn chứa trong đó xiết bao nỗi niềm để rồi bật ra câu hỏi lớn:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Cách nhìn ấm áp, thái độ trân trọng, với thể thơ năm chữ sử dụng một cách điêu luyện, “Ông đồ” của Vũ Đình Liên tràn đầy thi cảm nhân văn và gần gũi đến bình dị, có thể coi là một trong những thi phẩm hay nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.

Mạc Nghiêm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông