PCCC tại các đơn vị, cơ sở: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

11:16 14/04/2017

Diễn tập phương án chữa cháy tại khu chung cư Bắc Sơn 

Thực tế đã chứng minh, lực lượng PCCC cơ sở đóng vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng, một thực trạng đáng lo ngại tồn tại hiện nay, đó là sự chủ quan và thiếu quan tâm của người đứng đầu. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng và trách nhiệm cho những người trực tiếp quản lý các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đang được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả phòng ngừa cháy, nổ.

Luật PCCC năm 2001 quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi trách nhiệm của mình”. Trách nhiệm đó còn được cụ thể hóa trong các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ.

Điều đó càng cho thấy, hiệu quả công tác PCCC có tốt hay không trước hết phụ thuộc vào việc triển khai phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Người đứng đầu cơ sở rõ ràng quyết định hiệu quả thực hiện công tác PCCC tại đơn vị mình quản lý.

5 năm trở lại đây, công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) trên địa bàn Hải Phòng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó trước hết là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở được nâng cao; hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được thực hiện khá nghiêm túc và hiệu quả; việc tuyên truyền về PCCC được tăng cường, phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển ngày càng sâu rộng và bền vững, có sức lan tỏa nhanh.

Theo thống kê, Hải Phòng hiện có hơn 6.000 đội PCCC cơ sở với khoảng 50.000 đội viên được thành lập ở các cơ quan doanh nghiệp, hơn 200 đội dân phòng với gần 4.000 đội viên. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, một số địa bàn quận, huyện có cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH như: xây dựng bản tin cảnh báo cháy, nổ; tuyên truyền trực tiếp, trực quan qua hệ thống băng rôn, banner trên các tuyến đường...; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cán bộ nòng cốt của cơ sở, bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng... để chính họ trở thành lực lượng nòng cốt trong triển khai nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC.

Giữ vai trò nòng cốt, Cảnh sát PCCC thành phố đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp, chú trọng xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC với nhiều giải pháp sáng tạo. Nổi bật là: “Cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn PCCC”, “Chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC”, “Khu chung cư, tổ dân phố, nhà tập thể an toàn PCCC”.

Riêng năm 2016, Cảnh sát PCCC thành phố đã mở 715 lớp tuyên truyền cho 109.131 người, cấp phát 905 cuốn tài liệu về PCCC; tổ chức 191 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp giấy chứng nhận cho 9.370 người..., qua đó đã giúp nâng cao nhận thức trong nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định về PCCC của người đứng đầu cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại những hạn chế, thiết sót nhất định. Qua đánh giá công tác quản lý nhà nước về PCCC cũng như việc rút kinh nghiệm các vụ cháy trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây cho thấy, còn một số lượng không nhỏ người có trách nhiệm nêu trên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH; chưa thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Mặt khác, một số địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm, nhiệm vụ PCCC, chỉ mang tính hình thức, chưa quyết liệt vào cuộc và không phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành.

Các lỗi vi phạm thuộc trách nhiệm của người đứng đầu thường được thể hiện rất rõ ở việc: sử dụng sai công năng nhà xưởng so với thiết kế ban đầu, tự ý cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC; không đầu tư cho công tác PCCC; không thực hiện tốt việc phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng chữa cháy,  nên khi cháy xảy ra không thể chủ động được lực lượng, phương tiện tại chỗ...

Trong bối cảnh tình hình cháy, nổ đang có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao, đặt ra nhiều thách thức mới, muốn công tác PCCC đạt được hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố “tại chỗ”, nhất là người “chỉ huy tại chỗ”. Chính vì vậy, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu, trong năm 2017, Cảnh sát PCCC TP sẽ tích cực tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, ban ngành, các cấp chỉ đạo đưa nhiệm vụ PCCC, CNCH là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của đơn vị trực thuộc; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân tiến tới hình thành tinh thần hoàn toàn tự giác trong PCCC kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Minh Phương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông