08:41 15/09/2017 Hiện nay, do đặc thù là một nước nông nghiệp, với hơn 70% dân cư sống, phát triển ở nông nghiệp, nông thôn ở nước ta đã, đang và sẽ còn là mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế xã hội đất nước.
Công tác PCCC chưa được chú trọng
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới : “Xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại”. Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới lại không có tiêu chí nào quy định về đảm bảo an toàn trong lĩnh vực PCCC!
Barie chắn đường nông thôn ở xã An Đồng, huyện An Dương
Xây dựng nông thôn mới là 1 trong 8 định hướng lớn của thành phố được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV (2015-2020) với mục tiêu “Phấn đấu hoàn thành Chương trình xây dựng NTM; đến năm 2020, Hải Phòng có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng NTM”.
Thực tế cho thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay còn bộc lộ nhiều khó khăn hạn chế, nhất là về công tác quy hoạch. Quy hoạch nông thôn mới là một vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và phải mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm sự sắp xếp, quy hoạch trong vùng nông thôn, gắn liền với sự phát triển của các doanh nghiệp, làng nghề, trường, trạm, nhà ở, trụ sở... Vì thế, công tác đảm bảo an toàn PCCC cho các công trình kể trên là vấn đề không thể bỏ qua hay xem nhẹ.
Đơn cử như vụ cháy tại xưởng sản xuất gia công mũ giày ở xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng xảy ra vào ngày 29-7-2011, làm chết 13 người, bị thương 25 người, thiệt hại ước hơn 300 triệu đồng. Một phần nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản là do chủ nhà xưởng tự xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có 1 cửa ra vào duy nhất, không có lối thoát nạn thứ 2, không trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, đám cháy xảy ra ngay gần cửa ra vào nên bịt lối thoát nạn.
Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới gắn liền với việc cơi nới, nâng cấp, cải tạo các đường giao thông liên thôn, liên xã. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, có rất nhiều đường không đạt cho xe chữa cháy hoạt động. Nhiều trục đường chính trong xã không đảm bảo các tiêu chuẩn về chiều rộng, chất lượng đường, tải trọng cho xe chữa cháy, xe cứu thương hoạt động.
Rơm phơi kín đường liên thôn gây cản chở phương tiện giao thông
Việc tiếp cận đám cháy để trinh sát hiện trường, triển khai phương án chữa cháy gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, một số tuyến đường liên xã của huyện Thủy Nguyên còn đổ các cọc bê tông kiên cố để “bảo vệ đường”, rào chắn barie không cho các xe tải qua lại, làm cổng chào “khu dân cư văn hoá”..., khiến cho xe chữa cháy không thể vào chữa cháy được.
Thực tế, các huyện trên địa bàn thành phố đều có ao hồ, nhưng tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, nên số lượng ao, hồ ngày càng thu hẹp. Số còn lại phần lớn cạn kiệt, thiếu nước, trữ lượng nước phụ thuộc vào thủy triều. Nếu xảy ra hoả hoạn sẽ rất nguy hiểm, do thời gian cháy tự do kéo dài, dẫn tới cháy lan, cháy lớn trước khi xe chữa cháy đến nơi để dập lửa.
Cần có sự vào cuộc đồng bộ
Trước những bất cập về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước nói trên, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng.
Khi quy hoạch làng nghề, phát triển sản xuất trong các làng nghề, vấn đề quy hoạch phát triển nông thôn mới phải đảm bảo khoảng cách an toàn chống cháy lan, chống ô nhiễm môi trường. Khi xây dựng làng nghề, phải chú trọng vấn đề đảm bảo an PCCC cho các công trình như: đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy lan đối với vật liệu xây dựng; đảm bảo khoảng cách giữa các công trình chống cháy lan; nguồn nước tại cơ sở phải đảm bảo cho công tác chữa cháy tại chỗ; phải trang bị trang thiết bị chữa cháy theo quy định của Luật PCCC; đảm bảo lối thoát nạn, thoát hiểm, thoát khói, hệ thống chống sét cho các nhà xưởng sản xuất.
Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề lối thoát nạn, chống sét đối với các công trình trọng yếu như: trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế...những nơi thường xuyên tập trung đông người. Chú ý vấn đề an toàn về điện đối với các đường dây điện khi đi qua các công trình, hệ thống điện trong các công trình phải đảm bảo an toàn về PCCC.
Nội dung chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Đảng và nhà nước xác định là: Xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính tổng hợp, sâu, rộng, có nội dung toàn diện; bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng.
Cho nên, vấn đề an toàn PCCC trong xây dựng, phát triển nông thôn mới cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, toàn diện, cần quan tâm, chú trọng công tác PCCC để xây dựng nông thôn nước ta trở nên văn minh, tiên tiến hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Trong đó, bảo đảm an toàn PCCC trong xây dựng, phát triển nông thôn mới chính là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nói riêng và tài sản quốc gia nói chung.
Lệ Trang
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão