Đa số các ý kiến tham gia thảo luận đều nhất trí với báo cáo của UBNDTP trong việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 7,5% - 8%.
| Các đại biểu thảo luận tại tổ |
* Chiều 20-7 và sáng 21-7, tại kỳ họp thứ 16 HĐND TP khóa XIII, các đại biểu HĐND và đại biểu khách mời đã chia thành 5 tổ tham gia thảo luận về việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của thành phố 6 tháng đầu năm, bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2009; bàn và quyết định Đề án cải tạo, nâng cấp trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cùng một số nội dung quan trọng khác theo luật định.
Các đại biểu đánh giá tình hình kinh tế thành phố 6 tháng đầu năm nay vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá so với cùng kỳ như sản xuất nông nghiệp, thủy sản, thương mại, viễn thông, tín dụng, thu ngân sách nội địa, vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có diễn biến phức tạp, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội là cần thiết để đảm bảo cân đối nền kinh tế thành phố. Đa số các ý kiến tham gia thảo luận đều nhất trí với báo cáo của UBND TP trong việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 7,5% - 8% cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến tập trung vào Đề án cải tạo, nâng cấp trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Theo đề án cải tạo, nâng cấp trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, thành phố sẽ sử dụng 391 tỷ đồng cải tạo 677 trạm bơm trong thời gian 7 năm (2010-2016). Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc khảo sát cần thực hiện thật kỹ trước khi cải tạo vì trong số 338 trạm bơm nâng cấp từ trục ngang sang trục đứng, chỉ những trạm đầu nguồn, trạm tiếp nước mới cần áp dụng công nghệ của trạm bơm trục đứng.
Đối với 339 trạm bơm hư hỏng cần được sửa chữa, có nhiều trạm nằm trong vùng quy hoạch của các khu công nghiệp nên việc sửa chữa phải tính đến giá trị sử dụng lâu dài. Các đại biểu của các huyện ngoại thành còn đề nghị tăng mức hỗ trợ của ngân sách cho việc nạo vét 227 tuyến kênh mương vì đời sống của nông dân còn rất nhiều khó khăn. Về thời gian thực hiện Đề án, nên xem xét rút ngắn thời gian thực hiện xuống còn 5 năm và nên phân kỳ, chia giai đoạn cụ thể để công việc đạt hiệu quả...
Về việc đặt tên một số tuyến đường phố, các đại biểu đều nhất trí với Đề án của UBND TP nhưng cần phải chú trọng công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu được ý nghĩa của các tên đường, tên phố. Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị HĐND TP tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghị quyết. Công tác đổi mới hoạt động của HĐND TP khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng cần được thực hiện triệt để...
* Trong chương trình kỳ họp, chiều 21-7, đại biểu HĐND TP đề nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo trả lời chất vấn về 10 vấn đề được cử tri đưa ra trong các cuộc tiếp xúc. Sau khi các đại biểu nêu câu hỏi, đại diện các sở Kế hoạch và đầu tư; Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng và UBND huyện Thủy Nguyên đã trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp, tập trung vào công tác giải quyết dứt điểm các vấn đề cử tri quan tâm như: cải tạo, khơi luồng bến cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn); giải quyết tình trạng lấn chiếm, đổ rác bừa bãi tại hồ Văn Minh (phường Hàng Kênh); đẩy nhanh việc thực hiện dự án 874 xây dựng nhà ở trên địa bàn phường Cát Bi; quản lý chặt việc sử dụng đất đai và xây dựng trong khuôn viên Cung văn hóa Việt - Tiệp; bố trí tái định cư sớm cho 24 hộ dân trong dự án cụm công nghiệp Vinashin...
TRÍ THỌ |