Phát triển kinh tế tập thể: Nhìn từ thực tiễn Hải Phòng

16:54 14/12/2021

Kỳ 1- Thống nhất nhận thức

Mô hình liên kết đã tạo điều kiện cho các HTX đầu tư ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

         Ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW, về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Trải qua 20 năm triển khai thực hiện, kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển của Hải Phòng cũng như cả nước.

       Theo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy – HĐND – UBND TP, cùng với quyết tâm cao của các ngành, các cấp, trong 20 năm qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là mô hình Hợp tác xã (HTX) của thành phố đã được củng cố, từng bước đổi mới tích cực. Các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và người lao động.

          Nhìn lại thời gian, vào thời điểm Nghị quyết 13-NQ/TW được ban hành, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thành phố rất ổn định và có những bước phát triển mới, nguồn lực trong nhiều ngành, lĩnh vực tăng cao. Điều quan trọng là, chỉ hơn một năm sau khi Nghị quyết 13 ra đời, vào ngày 5-8-2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 32-NQ/TW về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước".

Sự cộng hưởng chiến lược của các Nghị quyết trên cũng như các văn bản liên quan, cùng với những yếu tố tác động tích cực khác, đã giúp cho thành phố Hải Phòng có nguồn động lực to lớn trong phát triển kinh tế tập thể nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

          Nghị quyết 13-NQ/TW đã được thành phố thể chế hóa thành 27 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, được tổ chức nhất quán, đồng bộ đến từng cơ sở. Trong đó, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết đã được quán triệt tới hơn 100 nghìn lượt cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

        Công tác tuyên truyền được xác định là tiên phong, tạo sự đồng thuận và thấm nhuần sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Hệ thống cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp đã tổ cức 420 Hội nghị chuyên đề, triển khai các Chương trình hành động gắn với thực tiễn mỗi đơn vị, địa phương.

      Hệ thống các cơ quan thông tin, tuyên truyền thành phố với nòng cốt là Báo Hải Phòng, Đài PT&TH Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng (nay là Chuyên đề ANHP – Báo CAND), Cổng thông tin điện tử thành phố và hệ thống thong tin cơ sở đã tích cực vào cuộc, bình quân mỗi năm thực hiện 400 tin, bài, tuyên truyền hiệu quả về Nghị quyết 13-NQ/TW và kết quả thực hiện của cơ sở.

     Nổi bật, hệ thống thông tin cơ sở mà Đài phát thanh cấp huyện giữ vai trò chủ đạo, đã xây dựng các chuyên mục “Nông nghiệp – Nông thôn”, “Nông thôn mới”… tuyên truyền đậm nét về các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là từ thời điểm Luật HTX được ban hành vào năm 2012.

          Nội dung cốt lõi và xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện Nghj quyết 13-NQ/TW trên địa bàn thành phố là 7 quan điểm của Trung ương.

        Quan điểm thứ nhất xác định: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô và địa bàn”.

          Quan điểm thứ hai: “Phân phối theo lao động, theo góp vốn và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn và góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ”.

         Quan điểm thứ ba: “Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của thành viên, góp phần xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải toàn diện cả kinh tế - xã hội, cả hiệu quả của tập thể và các thành viên”.

          Quan điểm thứ tư: “Tiếp tục phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó trọng tâm là ở các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển; gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.

          Quan điểm thứ năm: “Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn tập thể trong HTX”

          Quan điểm thứ sáu: “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể… Phát huy vai trò của Liên minh HTX Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia”.

          Quan điểm thứ bảy: “Phát triển kinh tế tập thể theo phương châm tích cực nhưng vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển của sản xuất, tránh duy ý trí, nóng vội, gò ép, áp đặt; đồng thời không buông lỏng lãnh đạo để mặc cho tình hình phát triển tự phát, chậm nắm bắt và đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế hợp tác của Nhân dân”.

          Từ những quan điểm trên, trong quá trình 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, một trong những thành tựu lớn nhất thành phố đạt được, đó chính là thống nhất nhận thức về kinh tế tập thể, gắn với hỗ trợ khuyến khích các HTX tiếp cận mô hình mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn kết với thị trường, tạo ra nền tảng mang tính tương hỗ xâu chuỗi đồng hành phát triển.

          (Còn nữa)

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông