Phát triển kinh tế tập thể: Nhìn từ thực tiễn Hải Phòng

09:51 28/12/2021

Như đã nói ở kỳ trước, kết quả 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Hải Phòng là nỗ lực của quá trình gắn kết liên tục từ sự thống nhất về nhận thức, đến việc xác lập môi trường thể chế cho kinh tế tập thể phát triển. Trong đó, điểm nhấn có tính then chốt là việc vận dụng, áp dụng các cơ chế chính sách liên quan, trên nền tảng 7 nhóm quan điểm của Nghị quyết 13-NQ/TW.

Mô hình nuôi thả cá lồng bè ở huyện Cát Hải

Kỳ 2- Những kết quả tích cực

          Trước hết là chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ. Trong giai đoạn 2002-2021, thành phố đã xây dựng và thực hiện 3 đề án, tổ chức 81 lớp bồi dưỡng và đào tạo cho 4.843 lượt cán bộ quản lý HTX; 89 lớp đào tạo cho 3.669 cán bộ kỹ thuật, thành viên và lao động của các HTX.

Từ năm 2017 đến nay, việc ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng được UBND TP thực hiện thường niên, với 20 khóa tập huấn cho 868 lượt cán bộ, công chức của các sở, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, chính sách thu hút cán bộ quản lý và khoa học kỹ thuật cho mô hình HTX cũng được chú trọng, nổi bật là từ năm 2019 UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND, thí điểm đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp. Đây là nét mới mang tính sáng tạo của thành phố Hải Phòng.

          Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, các đơn vị kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố cũng được tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc giao, cho thuê đất để đầu tư kinh doanh. Cụ thể đã có 61 HTX, xí nghiệp tập thể, quỹ tín dụng được giao, thuê đất với tổng diện tích 213 ha, trong đó có 50 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thành phố cũng áp dụng chính sách miễn thuế sử dụng đất, giảm mức nộp tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác cho các đối tượng thuộc kinh tế tập thể, đảm bảo đúng quy định.

          Một trong những cơ chế được triển khai tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, phải nói đến các chính sách liên quan đến vốn đầu tư. Đơn cử về tín dụng, điểm nhấn đáng chú ý là thành phố hỗ trợ kinh phí theo phương thức trả chậm cho các đơn vị dịch vụ, đại lý vật tư hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ nguồn hỗ trợ này, chỉ trong giai đoạn 2002-2012, tổng lượng phân bón của các đơn vị cung ứng trên địa bàn các huyện thuộc thành phố đã đạt 55.601 tấn, tương ứng giá trị gần 225 tỷ đồng. Đồng thời thành phố cũng quan tâm hỗ trợ đầu tư mua máy móc, công cụ sản xuất tiên tiến, để các HTX, tổ hợp tác và nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp, khai thác và nuôi thả thủy sản.

Từ năm 2012, thành phố ban hành và triển khai thực hiện Quyết định 2242/QĐ-UBND “phê duyệt đề án đẩy mạnh cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp…”, mở đầu là cơ chế hỗ trợ 50% giá trị máy, đã giúp các địa phương tiếp nhận 49 máy nông nghiệp hiện đại của hãng Kubota (Nhật Bản), phát huy hiệu quả trong thực tiễn sản xuất.

          Về vốn, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của kinh tế tập thể, nhất là các loại hình HTX tại các địa phương, với dư nợ cho vay đạt trên 84,3 tỷ đồng.

Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố cũng đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, đến nay tổng số nguồn vốn cho vay là 15 tỷ đồng, đã kịp thời hỗ trợ cho gần 1.000 lượt HTX bổ sung vốn phục vụ sản xuất, khắc phục những khó khăn phát sinh. Cùng với vốn, các chính sách hỗ trợ khác của thành phố cũng đem lại kết quả hết sức tích cực, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể.

Có thể kể như chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ đã hỗ trợ 4 mô hình sản xuất tiêu chuẩn mới, với tổng kinh phí hơn 888 triệu đồng; chính sách hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đặc sản làng nghề cho 20 sản phẩm để đăng ký nhãn hiệu; chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm… và nhiều chính sách hỗ trợ khác.

          Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp thực sự là động lực thiết thực để kinh tế tập thể phát triển. Đánh giá của Thành ủy cho thấy, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, kinh tế tập thể thành phố có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 549 đơn vị kinh tế tập thể theo mô hình HTX, trong đó chiếm tỷ lệ nhiều nhất là HTX dịch vụ nông nghiệp với con số là 208; tiếp đó là 139 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; 99 HTX hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác… thu hút 62.950 thành viên tham gia.

Tổng số vốn tính đến năm 2021 của các mô hình kinh tế tập thể là 4.691 tỷ đồng, tăng 15,2 lần so với thời điểm Nghị quyết 13-NQ/TW được ban hành (2002). Doanh thu bình quân của của các mô hình kinh tế tập thể đạt khoảng 8,438 tỷ đồng/đơn vị; thu nhập bình quân của người lao động 46,4 triệu đồng/người/năm.

Điều quan trọng là hiệu quả hoạt động đã tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, với các thành viên cũng chủ yếu là lao động trong các mô hình kinh tế tập thể, được hưởng nhiều ưu đãi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của khu vực kinh tế tập thể tăng đều hàng năm.

Có thể nói, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, dù tỷ lệ đóng góp trong tăng trưởng GRDP của thành phố chưa cao, nhưng đây cũng là yếu tố khách quan khi nhiều thành phần kinh tế khác của Hải Phòng cũng liên tục tăng trưởng bứt phá.

Nhưng khu vực kinh tế tập thể đã khẳng định vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thực sự là tiền đề để thành phố tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn kế tiếp.

(còn nữa)

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông