10:30 29/12/2021 Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW vừa được Ban Thường vụ Thành ủy chủ trì tổ chức, báo cáo đánh giá nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt, cùng với kinh tế nhà nước, ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân”.
Xã viên HTX mây tre đan Chính Mỹ (Thủy Nguyên)
Kỳ 3- Làm đậm hơn bản sắc Hải Phòng
Theo đó, các tổ hợp tác và HTX đã được củng cố về tổ chức, tiếp tục phát triển với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, đã ứng dụng hiệu quả khoa học, công nghệ, vừa tổ chức sản xuất, vừa kinh doanh dịch vụ đa dạng hình, xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế, trong đó một số HTX đã thành lập doanh nghiệp là thành viên của HTX.
Điều quan trọng là kinh tế tập thể đã từng bước thích nghi với kinh tế thị trường, hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập cho các thành viên và người lao động, thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị của thành phố.
Qua đó đã khẳng định sự thành công trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.
Đồng thời đó cũng là kết quả tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy – HĐND – UBND TP, sự vào cuộc tích cực của hệ thống MTTQ và các tổ chức xã hội, các đơn vị, địa phương và các tầng lớp Nhân dân, bám sát các quan điểm và yêu cầu phát triển của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, kết quả thảo luận cũng như báo cáo của Thành ủy cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW. Đồng thời nhận diện, dự báo và phân tích sâu về tình hình mới với những cơ hội và thách thức đan xen, đặt Hải Phòng trong bối cảnh thể chế hóa các văn bản mới của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, cùng với những định hướng chiến lược tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bối cảnh hiện nay cũng không thể không nhắc đến những biến chuyển mau lẹ của các yếu tố tác động, nhất là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19, đòi hỏi muc tiêu phấn đấu cũng như các giải pháp phát triển kinh tế tập thể cần có sự cách mạng.
Trong giai đoạn kế tiếp, Thành ủy xác định 7 nhóm yêu cầu đối với phát triển kinh tế tập thể. Cụ thể là: sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm; lựa chon mô hình hợp tác, liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác, liên kết để ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hàng hóa lớn; nâng cao sức cạnh tranh của HTX trong bối cảnh Việt Nam hội nhập thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương; phát triển HTX trong các ngành, lĩnh vực mới; liên kết theo chuỗi giá trị; thực hiện chuyển đổi số đối với HTX.
Trồng cúc dược liệu tại HTX nông nghiệp Thắng Thủy (Vĩnh Bảo)
Với những luận cứ khoa học xác đáng, Thành ủy xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tương ứng với các giai đoạn định hướng phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về mục tiêu tổng quát, Thành ủy xác định: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể; không ngừng nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên.
Quan tâm tạo điều kiện cho các tổ hợp tác phát triển, coi tổ hợp tác thật sự là một bộ phận cấu thành của kinh tế tập thể, tạo điều kiện và có biện pháp hướng dẫn giúp đỡ tổ hợp tác phát triển thành HTX
Về mục tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2030, thành phố chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng gần 300 tổ hợp tác; có trên 500 HTX hoạt động, trong đó có trên 300 HTX nông nghiệp; có khoảng 5 liên hiệp HTX trong các lĩnh vực.
Thành phố cũng đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể là: khu vực kinh tế tập thể đóng góp 0,5 GRDP thành phố; 100% cán bộ chủ chốt của HTX được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật; 70% số HTX đạt khá, giỏi, không có HTX yếu kém; 100% HTX được tiếp cận thông tin thị trường, khoa học và công nghệ; có trên 50% HTX được giao, cho thuê đất để làm trụ sở và nơi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; có trên 50% HTX ứng dụng chuyển giao công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, dịch vụ; có trên 80% HTX tham gia đóng BNXH, BHYT cho người lao động, phúc lợi xã hội; có từ 60% đến 70% HTX liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm; xử lý dứt điểm các HTX đã dừng hoạt động, chỉ tồn tại trên danh nghĩa hoặc chưa chuyển đổi tổ chức lại theo Luật HTX 2012.
Thành ủy cũng xác định 8 nhóm vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.
Như vậy có thể khẳng định, trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, thành phố Hải Phòng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, bám sát các quan điểm của Trung ương vào thực tiễn thành phố.
Dù kết quả đạt được có cả những thành công và chưa thành công, nhưng đã góp phần khẳng định giá trị của kinh tế tập thể trong nền kinh tế nói riêng và công cuộc phát triển nói chung.
Với những nỗ lực tràn đầy khát vọng, tin tưởng rằng trong giai đoạn mới thành phố sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, đưa kinh tế tập thể bứt phá, thực sự là thành quả của truyền thống cần cù, sáng tạo, làm đậm hơn bản sắc Hải Phòng. Để kinh tế tập thể xứng đáng là thành tố góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững thành phố và đất nước.
Hoàng Minh