Phát triển nghề công tác xã hội: Hướng tới sự chuyên nghiệp

11:55 12/04/2017

Nghề CTXH cần hướng tới sự chuyên nghiệp

Được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nghề công tác xã hội (CTXH) đang dần được nhiều người biết đến. Nghề này đòi hỏi những yêu cầu mới về trình độ chuyên môn và kỹ năng, đặc biệt là sự dấn thân vì mục tiêu phát triển của xã hội...

Giúp trao “cần câu”

Hơn 7h sáng, chiếc xe của Trung tâm CTXH (Sở LĐTB&XH) lăn bánh đưa nhân viên đến xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo. Tại đây, những người khuyết tật địa phương đang chờ được nhân viên của Trung tâm tiếp cận, hỗ trợ những kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc bản thân và hòa nhập cộng đồng. Một trong các trường hợp được quan tâm nhất, cháu Phạm Anh Khoa bị thiểu năng trí tuệ và dị tật bẩm sinh. Sau gần 1 năm được tư vấn, chăm sóc và trị liệu, hiện cháu đã có biểu hiện tích cực đáng mừng.

Bà Phạm Thị Lan, Giám đốc Trung tâm CTXH cho biết, các đối tượng được Trung tâm hướng tới đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, cần chăm sóc, cần được bảo vệ, che chở “khẩn cấp” như: trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, cưỡng bức lao động.

Lấy ví dụ như trong đợt thành phố thu gom người lang thang, có những đối tượng còn bốc mùi hôi và cáu bẩn đầy mình, nhưng về đến trung tâm, nhân viên ở đây không nề hà, làm vệ sinh, tắm giặt, thay quần áo sạch sẽ cho họ, rồi khám và chăm sóc tận tình.

Đặc biệt là những trẻ em bị nhiễm HIV vốn đã rất thiệt thòi nhưng nhiều em còn không có người thân, ốm đau, bệnh tật có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. “Do đó ngoài kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ thì với những người làm công tác này luôn phải có trái tim nhân hậu, biết cảm thông và thực sự kiên trì, đòi hỏi cả sự dấn thân...”, bà Lan chia sẻ.

Đều đặn chiều chủ nhật hằng tuần, các thành viên nhóm mang tên “Tự lực hoa trinh nữ” lại tổ chức các buổi sinh hoạt và phối hợp cùng Chi cục Phòng chống TNXH đến các tụ điểm (quán cà phê, karaoke) tư vấn tại chỗ về các chủ đề sức khỏe sinh sản. Ban đầu nhóm triển khai mô hình thí điểm can thiệp, hỗ trợ phụ nữ mại dâm trên địa bàn 4 quận, huyện: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, An Dương.

Sau một thời gian hoạt động, nhóm duy trì 4 thành viên và phát triển thêm mạng lưới cộng tác viên. Trong số những cộng tác viên, có những người từng đã xua đuổi, mắng chửi các tuyên truyền viên. Rồi khi hiểu ra mục đích của việc tư vấn, tuyên truyền, chính họ đã trở thành những cộng tác viên tích cực, có ý thức trong hành vi, giữ gìn không làm lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Kể về công việc, một thành viên nhóm chia sẻ: “Phụ nữ bán dâm, nhiễm HIV, sử dụng ma túy là những đối tượng rất khó tiếp cận, song lại cần trợ giúp nhiều nhất. Có lần chúng tôi phải tiếp cận đối tượng trong “vai” người đi bán bao cao su, lân la làm quen, tâm sự, để chị em cởi mở hơn. Sau đó nhóm tổ chức những buổi sinh hoạt nhỏ để tuyên truyền về tác hại ma túy, biện pháp quan hệ tình dục an toàn, phòng, chống lây nhiễm HIV và những bệnh khác”.

Cần sự chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Văn Bích, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em (Sở LĐTB&XH) cho biết, thực hiện đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2011-2015 (đề án 32), đến nay toàn thành phố đã có gần 2.000 lượt cán bộ, nhân viên CTXH các cấp được bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghề. Hai địa phương thực hiện thí điểm đề án là huyện Thủy Nguyên và quận Lê Chân.

Theo ông Bích, ngoài những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản, hướng dẫn nghiệp vụ chính về nghề cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện CTXH của các địa phương, đơn vị còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về các lĩnh vực cụ thể như: quản lý trường hợp nghiện ma túy tại cộng đồng; trợ giúp người tâm thần rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng và người khuyết tật cho đội ngũ cán bộ thuộc hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã, phường trên địa bàn thành phố.

Theo tìm hiểu, do là nghề mới nên CTXH còn nhiều khó khăn như mức phụ cấp thấp nên đội ngũ này thường xuyên biến động, dẫn đến nhiều hoạt động bị gián đoạn. Trong khi đó cộng tác viên chưa nắm bắt được chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng thực hành nghề nên việc trợ giúp cho đối tượng chưa đạt hiệu quả.

Công tác can thiệp trợ giúp cho cộng đồng bước đầu đạt yêu cầu về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH hiện nay quá mỏng và chưa thực sự chuyên nghiệp. Các hoạt động mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng, nhằm giúp đỡ họ tự giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh.

Tại buổi tập huấn về nghề CTXH mới đây tại Hải Phòng, PGS. TS Trịnh Văn Tùng, Trưởng Khoa xã hội học - Trường ĐH KHXH&NV phân tích, khác với hoạt động từ thiện là cho “con cá”, CTXH phải giúp “cần câu” theo cách hiểu giúp tăng nội lực để người ta tự đi trên đôi chân của chính mình. Theo ông Tùng, CTXH phải hướng tới giải pháp dài hơi, nhằm hỗ trợ cá nhân, nhóm xã hội và cộng đồng dân cư giải quyết các vấn đề phát sinh, giúp hòa nhập bền vững.

Thực chất của nghề CTXH là cung cấp dịch vụ cho người dân, nhân viên xã hội là người phục vụ chứ không phải là “người chủ”. Chính vì vậy, ngoài kiến thức, nhân viên CTXH cần phải được đào tạo nhiều kiến thức và kỹ năng mềm. Ví dụ, trường hợp một người có tổn thương tâm lý và có ý định tự tử, nhân viên xã hội cần tìm hiểu nguyên nhân và mức độ tổn thương của người đó và giúp đỡ họ vượt qua khủng hoảng bằng cách tham vấn hoặc trị liệu tâm lý để người đó ổn định lại và không còn hành vi làm tổn hại đến bản thân.

Trước những vướng mắc này, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng trong giai đoạn tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả đề án, cần có những quy định pháp lý cụ thể, cũng như sớm hoàn thiện xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm đối với cán bộ, viên chức, cộng tác viên CTXH để đội ngũ này yên tâm gắn bó với công việc.

ĐỖ HIẾU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông