Phát triển nguồn nhân lực cao từ dự báo kỹ năng ngành cảng tại Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028

12:39 26/06/2024

Sáng 26/6, tại khách sạn Sheraton Hải Phòng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc tổ chức hội thảo “Công bố Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng tại Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028”.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 Dự hội thảo có các đại biểu: Bà Cecilia Brennan, Tham tán kinh tế, Đại sứ Australia tại Việt Nam; ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI; ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Trong không khí hội thảo cởi mở, thẳng thắn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường thông tin nhanh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của của thành phố. Theo đó, Hải Phòng là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế và là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc Việt Nam.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại hội thảo

Với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi kết nối liên tỉnh, liên vùng và đi thế giới; hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, Hải Phòng được coi là đầu mối giao thông - giao lưu then chốt trong nước và quốc tế. Những năm qua, Hải Phòng luôn là một trong những địa phương nằm trong nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, thành phố duy trì đà tăng trưởng hai con số ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19.

 Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 10,34%, là năm thứ 9 Hải Phòng giữ mức tăng trưởng hai con số; Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 13,16%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 170 triệu tấn.

Các đại biểu tham dự nghe diễn giả cung cấp thông tin về xu hướng ngành, nhu cầu lao động lĩnh vực cảng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP tăng 10,32% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, tăng 28,87% so với cùng kỳ, sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 75,7 triệu tấn, tăng 9,03% so với cùng kỳ. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, là địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút đầu tư. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 952 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 30,7 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường nhấn mạnh: Trong những năm qua, hoạt động của dịch vụ logistics tại thành phố Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như đồng bằng sông Hồng. Theo Sách trắng Logistics của Hiệp hội Logistics Việt Nam, dự báo, đến năm 2025 Hải Phòng sẽ cần khoảng 369.000 lao động ngành logistics, trong đó có 252.600 lao động đã qua đào tạo; con số này sẽ tăng lên 460.000 lao động vào năm 2030, trong đó có 368.000 lao động đã qua đào tạo.

Các đại biểu tham dự nghe diễn giả cung cấp thông tin về xu hướng ngành, nhu cầu lao động lĩnh vực cảng

Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng mới chỉ đáp ứng khoảng 40-45% nhu cầu thị trường. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách về sự phối hợp, liên kết, đầu tư cho công tác đào tạo giữa các bộ, ngành, địa phương với các doanh nghiệp liên quan. Trên cơ sở đó, Hải Phòng chú trọng đào tạo, nâng cao phát triển nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao, nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; đồng thời, phát triển đội ngũ kỹ sư, các nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại như ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh.

Hiện, thành phố đã tăng cường mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo nhân lực có tay nghề cao, nhân lực khoa học và công nghệ biển; thực hiện đặt hàng đào tạo nhân lực trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cấp độ quốc gia, quốc tế. Thành phố Hải Phòng mong muốn, Hội thảo sẽ là cơ hội để các đơn vị cùng chia sẻ tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác, góp phần kiến tạo một tương lai xanh hơn, tươi đẹp hơn và bền vững hơn.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự lắng nghe chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cảng biển tập trung chia sẻ một số chủ đề quan trọng, như thông tin tổng quan về xu hướng ngành, nhu cầu lao động, nhu cầu kỹ năng và thách thức đối với lực lượng lao động trong lĩnh vực cảng tại Việt Nam trong giai đoạn2024 – 2028. Qua đó dự báo về sự thay đổi của công việc, kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển của ngành, tạo cơ hội thúc đẩy kết nối nghề với doanh nghiệp nghề.

 Việc dự báo kỹ năng ngành cảng trong giai đoạn sắp tới cũng giúp Hải Phòng có những kế hoạch dài hơi hơn để phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và các trường, viện nghiên cứu tham gia sâu rộng hơn nữa trong kế hoạch nghiên cứu của thành phố; khuyến khích và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước ký kết trực tiếp với các nhà khoa học, các trường, viện trong các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nội địa hóa công nghệ để cạnh tranh với nước ngoài.

Hiện, Hải Phòng cũng tập trung xây dựng chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thành phố, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành trung tâm giáo dục đại học của vùng Duyên hải Bắc Bộ; đến năm 2030 trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo. Trong đó, mục tiêu gần nhất là đến năm 2025, Hải Phòng có từ 2 trường liên cấp quốc tế và 1 trường đại học quốc tế trở lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87-88%, đào tạo có chứng chỉ 40%.

Ngọc Hà - Phương Linh

 

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông