Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững (kỳ 1)

10:42 22/07/2022

Ngày 14-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây được coi là động thái quan trọng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn, bất cập và cả hạn chế, yếu kém để tìm ra các giải pháp quản lý hữu hiệu nhất. Rất nhiều chuyên gia kinh tế; các nhà hoạch định chính sách; lãnh đạo các Bộ, ngành quản lý và các thành phố lớn cùng đưa ra những phân tích, nhận định và đề xuất biện pháp phát triển thị trường bất động sản Việt Nam an toàn, lành mạnh, bền vững.

                                            Kỳ 1: Nhận diện rõ bất cập, hạn chế của thị trường bất động sản

      Thời gian qua, thị trường bất động sản Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng, tác động đáng kể tới sự phát triển của nền kinh tế và cuộc sống người dân. Thị trường diễn ra vô cùng sôi động nhưng có thời điểm vượt quá tầm kiểm soát, gây nên nhiều hệ lụy. Có rất nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ đất nhưng cũng có không ít người khuynh gia bại sản…

Người người, nhà nhà đi buôn đất

          Có thể nói, chưa bao giờ, số người tham gia kinh doanh bất động sản lại nhiều lên với cấp số nhân như bây giờ. Người người, nhà nhà chuyển sang kinh doanh nhà cửa, đất đai. Chỉ cần mở mạng, mở facebook mỗi ngày, những tin tức đầu tiên là về mua bán nhà cửa, đất cát. Có rất nhiều lời chào mời, giới thiệu hấp dẫn, mảnh đất nào, ngôi nhà nào cũng có vị trí đắc địa, dễ sinh lời. Và giá cả thì cũng “trên trời”, người có nhu cầu mua thật sự “không biết đằng nào mà lần”. Có rất nhiều kỹ sư, bác sỹ, nhiều người có học thức được đào tạo bài bản nhưng bỏ nghề quay ra buôn đất. Không ít thanh niên đang độ tuổi lao động sung sức lao vào làm môi giới bất động sản với mong ước giàu nhanh. Trên thực tế, chỉ cần môi giới thành công 1 ngôi nhà, họ cũng có thể kiếm hoa hồng hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Còn với nhiều mảnh đất, nếu biết về quy hoạch, có thể mang lại lợi nhuận từ vài trăm triệu đồng tới hàng tỷ đồng. Thậm chí, nếu biết găm giữ chờ thời, mức lợi nhuận lên tới cả 1000%...

                                      

Thị trường bất động sản Hải Phòng luôn sôi động và hấp dẫn

     Bởi thế, thị trường bất động sản trở nên vô cùng “béo bở” mà bất cứ ai cũng muốn đặt chân vào, để cuối cùng chính là sự đầu cơ, mua đi bán lại, đẩy giá lên cao. Hậu quả là người có nhu cầu về nhà ở rất khó tìm được một tấc đất cắm dùi phù hợp với khả năng tài chính.

    Như tại Hải Phòng bây giờ, những ngôi nhà giá trên dưới 1 tỷ đồng chỉ “tàm tạm”, còn muốn có được một ngôi nhà tươm tất, ít nhất cũng phải 1,5-2 tỷ đồng; cao hơn là 3-4 tỷ đồng và thậm chí là hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng. Với người lao động, làm công ăn lương, không biết tích cóp tới bao giờ mới mua được 1 căn nhà với mức giá cao như vậy.

      Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, làm giàu từ kinh doanh bất động sản là nhanh nhất, nên thu hút nhiều người bỏ sở trường đi làm bất động sản. "Tôi đã gặp nhiều người khổ sở vì bỏ sở trường đi làm bất động sản. Có tình trạng người người đi kinh doanh bất động sản. Trong chuyến đi miền Trung, tôi thấy nhiều người đi kiếm nhà, kiếm đất để mua, đầu cơ đất, đẩy giá đất. Đây là tai họa cho nền kinh tế"- tiến sỹ Trần Du Lịch chia sẻ.

Thi nhau đẩy giá đất

          Tại Hải Phòng, có nhiều thời điểm, những cơn sốt đất lan từ thành thị tới các vùng thôn quê. Đâu đâu cũng thấy giá đất tăng nhanh vòn vọt, mỗi ngày một giá. Nhiều người cho rằng, bây giờ người ta rao bán đất như  bán mớ rau, con cá ngoài chợ, việc tiếp cận thị trường đất đai chưa bao giờ trở nên dễ dàng và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường đến thế.

      Điều đáng lo ngại là các giao dịch mua, bán đất hiện nay chủ yếu được thực hiện qua các cò đất, rất ít có giao dịch trực tiếp giữa người bán và người mua hoặc nếu tìm được người chủ đích thực có tài sản bán cũng không hề dễ dàng. Cò đất thao túng không chỉ ở một vài lô đất mà cả khu, cả huyện, có cả hiệp hội và những mối liên kết ngầm để dễ bề thao túng giá.

     Những năm gần đây, cò môi giới bất động sản hoạt động khá mạnh mẽ trên địa bàn toàn thành phố.  Họ đã lợi dụng những thông tin về các dự án lớn để hút nhà đầu tư đổ xô về  tìm mua đất. Người dân nhiều khu vực cho biết, giá đất tăng chủ yếu do các cò đất mua đi, bán lại, tạo sóng bất động sản. Cứ mỗi tầng nấc, giá lại tăng thêm một chút nên đã đẩy giá đất lên cao tới mức Nhà nước khó kiểm soát.

       Đỉnh điểm của việc thổi giá đất chính là vụ Tân Hoàng Minh gây sốc với màn đấu giá đất Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 10-12-2021, thị trường bất động sản rung động trước màn đấu giá đất Thủ Thiêm khi công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (thuộc tập đoàn tân Hoàng Minh) trả tới 24.500 tỷ đồng trúng giá ô đất 3-12 Khu chức năng số 3 Thủ Thiêm, có diện tích 10.060m2 (tương đương 2,45 tỷ đồng/m2).

       Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, Tân Hoàng Minh bỏ cọc, gây nên nhiều hệ lụy. Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

                                                            

Khu đô thị mới Vinhomes tại Hải Phòng (ảnh: Hồng Phong)

          Không chỉ vậy, hiện tượng đấu giá đất trả giá thật cao rồi bỏ cọc diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, nhiều người cho rằng, đây chính là chiêu trò thổi giá đất. Họ cố tình trả giá cao để tranh thủ đẩy giá bán các khu đất lân cận nhằm mục đích kiếm lời.

          Cũng chính vì vậy nên ngày 21-12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

          Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và phát triển đầu tư Hải Phòng cho rằng đang có có yếu tố tâm lý xã hội đang tác động vào giá.  Nhiều người đang có tâm lý cần phải đi trước một bước để có nhiều lợi thế hơn, có tầm nhìn chiến lược hơn; ai cũng thích mình là nhà đầu tư, nhà kinh doanh nên đổ xô quan tâm tới đất đai, tạo ra một chuỗi tác động lẫn nhau, gây ra tâm lý xã hội. Điều này là không tích cực,  gây ra tâm lý cực đoan. Có người lợi dụng tâm lý này để thổi giá đất lên vì họ đang có đất cần bán. Các yếu tố xã hội đó tác động vào thị trường, gây nên những biến dạng nhất định, biến dạng đó là không đúng hình thù, gây tăng giá bất thường.

          Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thành, tăng giá bất thường là không  ai mong muốn, không  có lợi cho xã hội, không có lợi cho người tiêu dùng, và chỉ có lợi cho một ai đó thôi. Cho nên, phải làm tốt công tác  tuyên truyền, thông qua phân tích một  một cách khoa học,  đánh giá một cách khách quan, để nhìn  nhậnthị trường  cho đúng, tiếp cận thị trường đúng bản chất, không  để luồng thông tin đó tuy nhỏ thôi nhưng tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng làm giá cả thị trường bị nhiễu loạn và biến dạng, không  tốt cho nền kinh tế. Đây là thực trạng chung  của toàn quốc, của các đô thị lớn đặc biệt Hải Phòng  là thị trường mới nổi,  có nhiều đột phá ,đang là điểm nóng, đang có những giá trị mới được phát sinh trong giai đoạn vừa qua, là cơ hội để một số người tạo ra tâm lý xã hội làm biến dạng thị trường đất đai./.

                                                                                                                                               Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích