Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững (kỳ 2)

16:31 25/07/2022

Kỳ 2: Nhanh chóng tìm ra các giải pháp Có thể thấy, đã tới lúc, các biện pháp quản lý thị trường bất động sản cần chặt chẽ, quyết đoán, quyết liệt hơn, đưa thị trường về đúng bản chất, đúng giá trị, đúng quan hệ cung cầu. Đây cũng là tinh thần của hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững tổ chức ngày 14-7 với rất nhiều gợi mở xác đáng, thiết thực, khả thi

                                     Rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bất động sản

       Theo TS. Trần Du Lịch, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để quản lý thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ, người ta dùng 2 công cụ để điều chỉnh. Một là, "đất nhà nước cho làm gì thì làm cái đó, không có quyền tôi có đất tôi làm gì thì làm". Thứ 2 là công cụ tài chính "thuế và phí".

      TS. Trần Du Lịch đề xuất 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất, hiện có hàng chục đạo luật, hàng chục nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành… đang chồng chéo mâu thuẫn,  cần rà soát để hình thành hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản. Thứ hai, nghiên cứu bỏ thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, mà đánh thuế bất động sản từ ngày được cấp quyền sử dụng đất ở.  

      Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách và công cụ điều tiết và liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính; giữa thị trường bất động sản sơ cấp với thị trường bất động sản thứ cấp; giữa các thị trường mua-bán; cho thuê và thế chấp bất động sản; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp như công ty đầu tư tín thác bất động sản (REIT) - chuyển dần sự đầu tư cá nhân sang đầu tư thông qua các định chế đầu tư chuyên nghiệp.

                                         

Bất động sản Hải Phòng luôn có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư

          GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, đất đai là tiền đề và là yếu tố cấu thành của bất động sản, bất cứ bất động sản nào cũng phải gắn với đất đai. Do đó, chính sách pháp luật đất đai là vấn đề cần nghiên cứu. Muốn thị trường bất động sản phát triển tốt cần tính đến Luật Đất đai.

      GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất: đất thương mại, dịch vụ đưa vào sản xuất kinh doanh cần phải có thời hạn, như vậy sẽ không còn tình trạng đầu cơ, đội giá. Cùng với đó, cần đăng ký đất đai và thực hiện số hóa toàn bộ thông tin đất đai và bất động sản để hình thành hệ thống thông tin số về đất đai và bất động sản thống nhất, đồng bộ phục vụ cho quản lý biến động và thông tin chiếm giữ bất động sản; nghiêm cấm việc mua bán trao tay về đất đai bất động sản không qua đăng ký giao dịch; không bảo vệ thậm chí thu hồi đất đai, bất động sản giao dịch trao tay không đăng ký.

     Đồng thời, kiểm soát được các nhà đầu tư bất động sản và  cần xem lại điều kiện huy động vốn thông qua bán nhà ở hình thành trong tương lai của chủ đầu tư cũng như việc giao dịch mua bán bất động sản hình thành trong tương lai của các nhà đầu tư thứ cấp.

          Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị, trước tiên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản cho phù hợp với thực tiễn. Tiếp đó, phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách trong lĩnh vực phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ để chính sách này sớm đi vào cuộc sống, góp phần tăng nguồn cung cho bất động sản hiện nay. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phải khắc phục để cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, công khai.

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp như tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản theo hướng phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.

      Đồng thời rà soát, xem xét, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá; công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ. Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao sự minh bạch trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

          Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Về lâu dài, cần phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường bất động sản phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.

                                                    Phát triển hệ sinh thái bất động sản

          Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cần có cách tư duy, phương pháp luận đúng để giải quyết căn cơ các vấn đề về thị trường bất động sản, theo hướng đi từ vấn đề lớn để xử lý vấn đề nhỏ, đi từ vấn để tổng thể để xử lý vấn đề cụ thể.

          Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát;  không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ;  bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

          Theo Thủ tướng, gốc của vấn đề là phải thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thì mới có người đến làm, đến ở, phát triển bất động sản, phát triển đô thị mới bền vững.

                                      

Những cây cầu mới được xây dựng cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ làm tăng giá trị đất đai tại nhiều khu vực của Hải Phòng. Ảnh: Một trong những phương án kiến trúc cầu Nguyễn Trãi.

          Cùng với đó, muốn phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản, phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, phải nắm chắc tình hình và cung - cầu để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh và phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…

          Từ đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điêm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Cần xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu, như bất động sản công nghiệp, nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp để có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

          Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản; nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản; cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản…

          Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình hoạt động thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường niềm tin của người dân với các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

          Như vậy, có thể thấy các vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay đang được nhận diện, đánh giá chi tiết, cụ thể, làm rõ; được  tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế và  đề xuất giải pháp căn cơ, khả thi. Đây là những căn cứ, định hướng rất quan trọng để thị trường bất động sản Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh./.

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích