14:48 04/10/2022 Tại Hải Phòng, Ban Kinh tế Trung ương vừa tổng kết thực hiện nghị quyết số 54 ngày 14-9-2005 và Kết uận số 13 ngày 28-10-2011 của Bộ Chính trị khóa 9 về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đây là dịp để Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng cùng nhìn nhận, đánh giá kết quả sau 17 năm thực hiện nghị quyết 54. Đồng thời cùng bàn bạc, định hướng và đề ra các giải pháp để liên kết, phát triển vùng trong giai đoạn mới với mục tiêu đưa vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh.
Kỳ 1: Xác định rõ vai trò, vị thế
Để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, cần có sự đánh giá, nhìn nhận rõ về vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của cả vùng và từng tỉnh, thành phố. Từ đó xác định rõ mặt mạnh, mặt còn hạn chế để đề ra các giải pháp cũng như cơ chế, chính sách phù hợp, đưa cả vùng phát triển nhanh, mạnh và vững chắc.
Vai trò đặc biệt quan trọng
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 2 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng). Đặc biệt, có Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ của cả nước và có Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong 4 vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Vùng đồng bằng sông Hồng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu rõ, vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng được đề cập trong Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt,Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 nhấn mạnh tới việc xây dựng quy hoạch và tổ chức không gian phát triển của quốc gia, của các vùng một cách hợp lý để phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương, tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng, tạo điều kiện tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị của toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng chính là lợi thế, là nguồn lực, cần được tiếp tục khẳng định để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Sức bật mới của cả vùng
Từ vị trí chiến lược quan trọng đó nên trong 17 năm qua, thực hiện nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, 11 tỉnh, thành phố trong vùng đều có sự phát triển nhanh, mạnh, vượt bậc và thực sự bứt phá. Trong đó có nhiều điểm sáng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, của địa phương, khẳng định vai trò là vùng kinh tế động lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Điều đó thể hiện bằng những con số thuyết phục. Theo Ban Kinh tế Trung ương, kinh tế vùng có sự tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa chiếm 31,4%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều địa phương, trong đó nổi bật là Hải Phòng đã bắt tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt là Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn…
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được tập trung đầu tư và phát triển khá đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; phát huy tốt vai trò của các hành lang, vành đai kinh tế.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm phát triển; nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên rõ rệt.
Các địa phương trong vùng cũng đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 0,86%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; QPAN được giữ vững.
Đặc biệt, vai trò liên kết vùng đã được các địa phương chú trọng và triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực như giao thông; du lịch; phát triển công nghiệp; cung ứng lao động; tiêu thụ nông sản; liên kết phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số… Điển hình là thành phố Hải Phòng chủ động dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông kết nối với các địa phương trong vùng như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; liên kết phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; phát huy hiệu quả của cảng biển nước sâu lớn nhất phía bắc và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi…, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của thành phố và cả vùng.
Có thể nói, những thành tựu đạt được của mỗi địa phương và của cả vùng đã khẳng định nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là chủ trương đúng đắn và thực sự đi vào cuộc sống, mang lại sự đổi thay cho cả vùng./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024