Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng: Cần cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá (kỳ 2)

14:48 04/10/2022

Kỳ 2: Phát huy vai trò động lực phát triển của cả nước Với việc tổng kết nghị quyết 54, Ban Kinh tế Trung ương và các địa phương cùng thống nhất quan điểm và quyết tâm xây dựng Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành động lực phát triển của cả nước. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều rào cản cần phải tháo gỡ và việc đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển vùng được coi là giải pháp căn cơ, đột phá để Vùng đồng bằng sông Hồng đạt được những mục tiêu đề ra.

                                                                                    Nhận diện rõ khó khăn, thách thức

           Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng các địa phương trong vùng cũng chỉ ra rất nhiều bất cập, hạn chế đối với sự phát triển của mỗi địa phương và cả vùng. Đó là vẫn còn tình trạng bất cập về quy hoạch không gian phát triển, chưa mang tính liên kết chặt chẽ; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu kết nối, chưa bền vững; quy hoạch đô thị có nhiều hạn chế. Quản lý đất đai, tài nguyên chưa đáp ứng yêu cầu; ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi. Đáng chú ý, nhiệm vụ phát triển thành phố Nam Định thành đô thị hạt nhân của tiểu vùng nam đồng bằng sông Hồng và xây dựng Khu Kinh tế tổng hợp Vân Đồn, Quảng Ninh chưa hình thành. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

                                          

      Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tiến độ xây dựng đường ven biển kết nối với các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình

           Lãnh đạo các địa phương cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong mối quan hệ giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết vùng. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, hiện đang có lúng túng trong cơ chế điều phối vùng. Vì thế, có sự chồng chéo, trùng hợp trong thực hiện quy hoạch, trong phát triển công nghiệp, khu công nghiệp,  nông nghiệp… Do đó,xây dựng cơ chế điều phối vùng trong thời gian tới là quan trọng và cần thiết để phát huy tốt nhất tiềm năng, vị thế của cả vùng và từng địa phương trong vùng.

           Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải, cần xác định rõ định hướng phát triển của vùng để bảo đảm tính lan tỏa, trở thành động lực phát triển của cả nước. Trong đó, tập trung phát triển các địa phương động lực của cả vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; khu vực Thái Bình- Nam Định cũng cần có các chính sách, định hướng đúng đắn để phát triển. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa tới phát huy tiềm năng của hành lang kinh tế ven biển. Quan trọng hơn là có sự tháo gỡ trong quy hoạch, có sự thống nhất giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch của các Bộ, ngành với quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp để phát triển văn hóa, con người, coi đây là tiềm năng, động lực của cả vùng.

  Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị khẩn trương hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở trong việc điều hành phát triển kinh tế  xã hội, nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực của vùng, đồng thời là cơ sở để lập Quy hoạch các tỉnh trong vùng.

    Cùng với đó, nghiên cứu, triển khai mô hình cơ quan quản lý cảng biển phù hợp và thống nhất, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển; trong đó cần tạo tính chủ động, sáng tạo, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; tiếp tục đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Lân và di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, Cẩm Phả, Hải Hà theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

   Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng đề nghị các địa phương xác định rõ ngành công nghiệp ưu tiên và có sự bàn bạc, phối hợp, liên kết chặt chẽ để phát triển kinh tế biển, logistics; phát triển điện gió...

                                                                Ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển

      11 địa phương đều khẳng định: Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của đất nước. Xây dựng và phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm khai thác tối đa tiềm năng, vị thế của vùng, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt trong cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước. Trong đó, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến- Văn minh- Hiện đại”, là trung tâm, động lực thúc đẩy, phát triển của cả vùng và cả nước; xây dựng khu vực Hải Phòng- Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại.

                                 

Hải Phòng đề nghị có  cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.

          Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ, cần làm sâu sắc hơn về các xu thế phát triển kinh tế mới tác động đến vùng như sự phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục-đào tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn...

      Trên cơ sở đó,  đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh tạo bước phát triển mới trong thời gian tới, đặc biệt là về các cơ chế, chính sách đặc thù trúng, đúng và kịp thời cho từng tiểu vùng, từng không gian lãnh thổ, từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế chung; không vì tiềm năng, lợi ích nhỏ của một vài địa phương làm ảnh hưởng đến lợi ích chung và dài hạn của vùng, nhất là trong quản lý đất đai và thu hút các nguồn lực để phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, phát triển du lịch, phát triển văn hóa... và thực hiện tốt các nhiệm vụ trong hội nhập kinh tế quốc tế.

       Quan trọng hơn là cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và tầm nhìn đối với liên kết phát triển vùng để vùng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và phát triển dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn phát triển mạnh; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và hệ thống đô thị thông minh, kết nối; phát huy vai trò của các Hành lang kinh tế, các Khu công nghiệp.

     Từ yêu cầu đó, Ban Kinh tế Trung ương và 11 địa phương cùng thống nhất cao đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với vùng. Trong đó,  các chỉ tiêu cụ thể của vùng phải cao hơn bình quân chung của cả nước. Vùng có nhiệm vụ phải đi đầu cả nước trong thực hiện nhiều chỉ tiêu quan trọng.

     Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương; kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, để liên kết vùng trở thành động lực tăng trưởng cho vùng. Ngoài ra, cũng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để phát triển Vùng. Đặc biệt, có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện.

 Với những định hướng và cách làm đó, chắc chắn Vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ và bứt phá, phát huy tốt nhất vai trò động lực phát triển của cả nước./.

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích