Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực nông nghiệp: “Nóng” các vấn đề về tiêu thụ nông sản; bảo đảm an ninh lương thực và tháo gỡ thẻ vàng IUU

08:18 16/08/2023

Chiều 15-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cùng dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Hải Phòng.

      

Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn

                                                          Nông nghiệp đang đối mặt với 3 “biến”

     Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được lựa chọn chất vấn tại phiên họp vừa là trách nhiêm, vừa là động lực để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe các vấn đề đã được phát hiện từ lâu và những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn.

      Đơn cử như việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo được sự quan tâm của nhân dân, được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, được đại biểu Quốc hội trao đổi chi tiết, các địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân trực tiếp gửi đến Bộ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiểu rằng các nội dung này không chỉ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà mỗi tin tức về giá cả, tin tức về giá lúa gạo là nỗi thấp thỏm, lo âu, niềm vui, sự phấn khởi của người dân làm nên hạt lúa gạo. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

      Theo Bộ trưởng, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữ “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Do đó, từ các thực tiễn này, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.

     Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức trách quản lý chuyên ngành mang tính chất kinh tế, kỹ thuật trong khi đó Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội quán xuyến, bao quát các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh sẽ có cách tiếp cận vấn đề với nhiều góc độ khác nhau. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng xin lắng nghe ý kiến và trao đổi làm rõ thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

                     Giải pháp để tạo liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản?

   Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) cho biết, hiện nay việc liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản ở một số địa phương còn chậm, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa còn hạn chế; kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc; chi phí logistics còn cao; việc đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực phát triển ngành nông nghiệp và đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PNTN cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) 

       Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan cho biết, liên kết theo chuỗi  là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường.

      Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. 

      Vấn đề đặt ra là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới, từ đó khắc phục được tình trạng được mùa mất giá hay câu chuyên nông dân bội tín với doanh nghiệp hay câu chuyện doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc.

      Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan, nếu không có chuỗi liên kết cũng sẽ khó mà phát triển ngành logistics; cũng như không thể nào số hóa bởi chỉ khi vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh thì mới bắt đầu tiến hành số hóa. Nếu không tham gia chuỗi thì cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất.

      Do đó, trong thời tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kiên trì cùng với các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn. 

   Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) đề nghị Bộ trưởng cho biết hiệu quả công tác thông tin, dự báo tình hình nông sản và công tác quy hoạch để đảm bảo sản xuất, quy chuẩn xuất khẩu trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương trong thời gian tới để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt.

      Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.

       Trong hoàn cảnh như vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn rằng, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo tầm dài hạn cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục nên cũng cần rất linh hoạt.

       Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản: Theo đó, khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; củng cố các thị trường hiện có, khai mở các thị trường mới cho nông sản Việt Nam; tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững.

                                                                Bảo đảm an ninh lương thực

         Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho biết, đất đai, đặc biệt là đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực nước và đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác  để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Quang cảnh phiên chất vấn

     Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cách đây 10 năm thì quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu hecta. Hiện tại theo số liệu thống kê đất lúa còn 3,93 triệu hecta. Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ là chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu hecta đất lúa. Bộ trưởng làm rõ, linh hoạt ở đây có nghĩa là để đảm bảo an ninh lương thực và để sự phát triển kinh tế - xã hội thì cũng phải dành một quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

       Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tại các các địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp. 

         Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, bao nhiêu người nông dân trên đất lúa đó, rồi một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, những con người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó…Do đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng sẽ kiên trì cùng với các địa phương để phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

     Theo đại biểu Lê Thị Song An (Long An), thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao. Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp.

     Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

      Về an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có công điện chỉ đạo khi nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực, hoặc khi một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo làm nảy sinh cơ hội, thời cơ cho chúng ta. Bộ trưởng đề nghị, trong tình hình như vậy, cần có thái độ bình tĩnh, vì mọi vấn đề đều có thể phát sinh mặt trái nếu không quản lý tốt, nếu chỉ phân tích một khía cạnh, một phía, thì sẽ không có được cái nhìn toàn diện. 

     Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.

    Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”. Cần lấy yếu tố bảm bảo chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”. 

        Về chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đôn đốc lập, phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

    Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng nhà trái phép; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cuộc sống cho người bị thu hồi đất.

                                                                     Giải pháp tháo gỡ thẻ vàng IUU

    Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển nhưng yêu cầu phải đúng quy hoạch, tuy nhiên công tác tổ chức lập quy hoạch còn lúng túng nên cơ quan chuyên môn, nhà đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết vấn đề này?

       Bên cạnh đó,  đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết, hiện nay các tàu đánh cá có công suất lớn không về cập cảng tại địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản IUU. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để đảm bảo quản lý tàu cá thống nhất chung trên cả nước?

    Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu rõ, thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này.

     Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết 5 giải pháp mà Bộ đề ra đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để chưa? Và Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 tới không?

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên)

    Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, thủy sản Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung. Tỷ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU giảm dần qua từng năm.

       Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn có bất cập. Tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối dài ngày chiếm khoảng trên 15 % so với tổng số lượng tàu cá đã được lắp đặt hệ thống giám sát. 

       Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng trên, qua đó góp phần sớm gỡ được cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu?

      Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc khắc phục “Thẻ vàng” của EC về chống khai thác IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, gỡ “Thẻ vàng” của EC không phải mục tiêu duy nhất của Việt Nam mà mục tiêu cuối cùng là giữ gìn được trữ lượng và bảo tồn sự đa dạng tài nguyên biển. Nếu so sánh với Philippines và Thái Lan, Bộ trưởng cho biết, những nước này có cơ cấu ngành hàng bền chặt hơn nước ta và cũng áp dụng các biện pháp chống khai thác IUU mạnh hơn, như đánh đắm tàu vi phạm ngay giữa biển khơi thay vì phạt…

       Bộ trưởng cũng nêu rõ, mặc dù EC rất tin tưởng vào các khung pháp lý và chương trình hành động của chúng ta về chống khai thác IUU, nhưng EC lại không thực sự tin tưởng vào việc thực thi ở các địa phương. Đây là khó khăn của nước ta trong nỗ lực khắc phục “Thẻ vàng”.

    Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần có sự phối hợp hành động của cả hệ thống chính trị và chế tài đủ mạnh để kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm… Tới đây, Bộ NN và PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ danh sách các địa phương có những trường hợp vi phạm chưa xử lý. “Chúng tôi còn biết có những địa phương đã khoanh vùng huyện nào, xã nào thường xuyên có các đội tàu vi phạm, nhưng vẫn còn rất loay hoay...”, Bộ trưởng nói.

     Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu rõ, nuôi biển là một cách giảm khai thác, nên đối tượng ưu tiên đầu tiên chính là các ngư dân mà chúng ta mong muốn giảm lượng tàu khai thác, sau đó đến các doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp thì phải có hệ sinh thái của những người dân, để đảm bảo ngư dân tự nguyện không tham gia khai thác, như vậy việc nuôi biển mới có thể thành công, hướng tới hai mục tiêu phát triển kinh tế và giảm lượng khai thác. 

     Về giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ “thẻ vàng”. Theo Bộ trưởng, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, không đẩy mạnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân.

    Bộ trưởng gửi gắm đến lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Đồng thời nâng cao năng lực, kỹ năng đi biển và trách nhiệm của ngư dân. Phải làm tốt hơn nữa công tác giám sát, tăng cường kiểm tra đầu vào từng chiếc tàu ra khơi, kiểm tra từng thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn hàng của doanh nghiệp.

  Bộ trưởng nhấn mạnh càng siết chặt đầu vào và quan trọng hơn là đầu ra, thay đổi cách quản trị, sự vào cuộc của hiệp hội ngành hàng thì mới có thể giải quyết thành công vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên chất vấn

    Về khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu triển khai thực hiện các Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản.

       Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030 (sau khi được phê duyệt), Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 2023 – 2030; rà soát, điều chỉnh, thành lập mới các khu bảo tồn biển cấp quốc gia, cấp tỉnh; xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân sang các nghề khác; quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản; kiện toàn lực lượng kiểm ngư; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong khai thác bất hợp pháp, tiến đến chấm dứt tình trạng này.

       Cùng với đó, tiếp tục đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tiến hành truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu Container;  tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU; tiếp tục thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động cộng đồng ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan tuân thủ các quy định pháp luật về IUU./.

                                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông