10:34 24/11/2023 Trước đây, phố Đà Nẵng dài nhất khu nội thành, gồm hai phố cũ hợp thành. Đoạn ngã Sáu đến ngã Năm cũ lúc mới mở gọi là phố Linlơ (Rue de Lille), thuộc khu Ga. Đoạn ngã Năm trở đi ra đời muộn hơn, sau đó mang tên nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Thời kì đó, đoạn ngã Sáu đến ngã Năm cũ phố xá khá đẹp, có nhiều biệt thự với khuôn viên rộng của các chủ nhà máy. Còn đoạn ngã Năm đến đường Ngô Quyền đường sá nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt, nhà cửa tạm bợ. Cho đến giữa những năm 60 của thế kỉ 20, bên kia cầu Tre còn thuộc xã Đông Hải. Cầu Tre lúc ấy đã sửa không dùng tre nữa. Qua cầu, hai bên đường chủ yếu là ruộng lúa nương khoai.
Còn nhớ vào năm 1960, nhằm cổ vũ động viên nhau giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, thành phố Hải Phòng đã kết nghĩa với tỉnh Đà Nẵng. Ngày ấy, ở thành phố Hoa Phượng đỏ thường vang lên câu nói “Hải Phòng- Đà Nẵng nặng lòng tình nghĩa”. Và chỉ 3 năm sau, vào năm 1963, một con phố lớn ở trung tâm Hải Phòng đã chính thức mang tên Đà Nẵng
Câu nói “Hải Phòng - Đà Nẵng nặng lòng tình nghĩa” càng trở nên sâu sắc hơn khi đầu năm 1970, nhà thơ Hải Như sáng tác bài thơ “Thành phố Hoa Phượng đỏ” và mấy tháng sau, bài thơ đã được nhạc sĩ Lương Vĩnh của Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng phổ nhạc. Trong ca khúc được xem là “Hải Phòng ca” này, tên gọi Đà Nẵng thân thương như được chắp đôi cánh âm nhạc - thi ca và nhanh chóng chạm đến trái tim hàng triệu người nghe: Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt/ Chưa trọn nghĩa Sài Gòn, Đà Nẵng/ Ta tạm biệt xa nhau, chào phố biển thân yêu/ Hải Phòng đó... hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu/ Trăm trận đánh quê ta kiên cường/ Hải Phòng ơi, năm xưa bé nhỏ/ Nay ta đã thấy rộng dài, rực sáng/ Sánh vai cùng Sài Gòn Đà Nẵng quê hương.
Thư Kỳ
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão