Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

16:39 08/06/2023

Sáng 8-6, Phó thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

         Thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

      Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình, có ý kiến, tâm huyết sâu sắc, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ. Nội dung báo cáo của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và hầu hết ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ, hội trường đều đánh giá cao những thành quả trong việc kiểm soát dịch COVID - 19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn cũng như các chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

                          

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

      Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2033 đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

     Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước thẳng thắn đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ xin trân trọng lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để tập trung khắc phục, giải quyết hiệu quả hơn.

         Phó thủ tướng nêu rõ: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định ; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh . Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95 nghìn doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

              

Phiên họp ngày 8-6 của Quốc hội

     Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết. Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, bảo đảm và nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

     Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nhất là các quy định đang là rào cản đối với sản xuất kinh doanh (đến năm 2025 giảm ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ) ; yêu cầu thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra quy định về TTHC. Tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC và tái cấu trúc quy trình cung cấp dịch vụ công. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ (đến năm 2025 giảm tối thiểu 20%). Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

      Về việc tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực phù hợp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tiếp tục thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; trình Quốc hội về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, đất công nghiệp, đất lúa, đất rừng….

      Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đề ra.

                          

Phiên họp ngày 8-6 của Quốc hội

     Về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; trong đó trình cấp có thẩm quyền xem xét việc  mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng... Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.

      Về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên; quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

                                                   Tăng cường thanh tra để "đập chuột không vỡ bình"

         Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Hà Nội) nêu tình trạng thiếu hụt nhân viên đăng kiểm do xử lý các sai phạm và cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm sao có cách làm khôn khéo để "đánh chuột không vỡ bình", tức là phải giữ được sự ổn định trong thực thi công vụ để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp, giữ được hoạt động bình thường.

     Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết sau vụ việc đăng kiểm lần này rút ra bài học kinh nghiệm gì trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

                                    

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

      Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết qua tổng kết 10 năm về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã rút ra 8 bài học. Vụ việc vừa rồi tại các trung tâm đăng kiểm cũng nằm trong bài học kinh nghiệm đó. Theo Phó thủ tướng, sai phạm có thể diễn ra từ lâu, trong phạm vi rộng, đối tượng phạm tội nhiều, đến nay có tổng cộng trên 60 vụ án, khoảng 639 đối tượng liên quan ở 39 tỉnh thành.

   Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bài học rút ra là phải nâng cao chất lượng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chức năng nhiệm vụ của mô hình trung tâm đăng kiểm; trong đó, cần tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ đăng kiểm, đảm bảo công khai minh bạch. Cần có nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng như chuyển đổi vị trí công tác, sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện xử lý sớm mới đáp ứng “đập chuột không vỡ bình".

      Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng muốn chống tham nhũng phải kiểm soát quyền lực. Vậy đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?

                         

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) 

      Phó thủ tướng nêu rõ, qua tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, một trong những bài học kinh nghiệm lớn là phải kiểm soát quyền lực, bởi quyền lực có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát, tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Do đó, kiểm soát quyền lực là giải pháp căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ kịp thời, phát hiện ngăn ngừa xử lý các sai phạm.  Những năm qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng là kiểm soát quyền lực với cơ quan thực hiện quyền lực Nhà nước. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần yêu cầu phải thiết lập cho được "cơ chế kiểm soát quyền lực, nhốt quyền lực trong lồng cơ chế".

      Về giải pháp, theo Phó thủ tướng,  phải hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định chức năng, quyền hạn của mỗi cơ quan trong cả hành pháp, tư pháp và lập pháp; đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra truy tố, xét xử; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi trách nhiệm của người có chức vụ quyền hạn; đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch. Với người có chức vụ, quyền hạn phải tự sửa, kết hợp chặt chẽ cơ chế kiểm soát của Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức đoàn thể, báo chí.

                                      Gỡ khó thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp

    Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) nêu thực trạng thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoàng. Nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là khi áp lực đáo hạn và trả lãi trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn. Theo đại biểu, việc này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin thị trường và nhà đầu tư nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu thấp, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng cho biết trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này? Quan điểm chỉ đạo và giải pháp căn cơ nào để thúc đẩy phát triển an toàn, lành mạnh thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

                                

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai)

     Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết,  thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp.Các doanh nghiệp bị vướng xử lý trái phiếu có nguyên nhân đầu tiên là quản lý luân chuyển, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính chưa hợp lý. Một số trường hợp vi phạm, ngành công an đã điều tra, truy tố. Thị trường trái phiếu cũng chưa bền vững về cơ cấu, nghiêng về thị trường rủi ro như bất động sản.Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 khó khăn về tài chính, nên thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng rất khó khăn.

     Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trái phiếu đến hạn thanh toán tính đến 31/12/2022 là 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó đáo hạn của năm 2023 là 290.000 tỷ đồng, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán. Bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân về pháp lý, cơ cấu sản phẩm như sản phẩm giá thấp ít, sản phẩm giá cao nhiều; năng lực chủ đầu tư.

     Vừa qua, Thủ tướng lập tổ công tác do hai Phó thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra giải pháp. Khi hai tổ công tác này có báo cáo, Chính phủ sẽ chỉ đạo để gỡ khó cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp,các cơ quan tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này minh bạch.

     Theo Phó thủ tướng, trong quý 1, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đã ổn định tình hình, tiếp tục tháo gỡ khó khăn trên tinh thần doanh nghiệp có trách nhiệm theo hợp đồng dân sự, nhà nước tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy thực hiện cam kết theo nghĩa vụ, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bảo vệ quyền lợi người dân, nhà đầu tư.

                                        Thu hút FDI gặp khó khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực

      Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu đặt ra phải ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng cho biết định hướng hành động và giải pháp cho vấn đề này.

    Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tháng 6/2021,nhóm G7 đạt thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15% nộp ở nước sở tại. Đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mức chênh lệch phải xử lý ở mặt bằng 15%. Tháng 7/2021, G20 cũng thống nhất về thuế tối thiểu toàn cầu và 138 nước trong khối OECD đã đạt thỏa thuận khung liên quan đến nội dung này. Theo Phó thủ tướng Việt Nam tham gia thỏa thuận hợp tác quốc tế, đảm bảo hội nhập nhưng không bắt buộc.

     Chính phủ, Quốc hội và bản thân Chủ tịch Quốc hội cũng rất quan tâm, đã tổ chức nhiều diễn đàn, có chỉ đạo sát sao về vấn đề này; thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động. Thường trực Chính phủ đã họp, đề xuất Thủ tướng, trình Quốc hội có giải pháp sớm nhất về những chính sách thuế hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc thu thuế phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp nhà đầu tư và hài hòa lợi ích của quốc gia.

                         

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) 

        Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt vấn đề, triển vọng FDI vào Việt Nam không lạc quan khi luật thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024. Có chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt, đối xử các quốc gia khiến các hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam bị suy giảm hiệu quả. Đại biểu đề nghị Phó thủ tướng nói rõ hơn về vấn đề này.

      Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận đây là vấn đề thời sự, cần đánh giá khoa học, nghiêm túc, thực tiễn. Bởi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến các cam kết thu hút đầu tư, nhất là về thuế. Vì vậy cần xử lý thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tất cả nhân tố tác động. Việc thu hút đầu tư FDI đang gặp khó khăn do bối cảnh chung. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để thu hút FDI đạt hiệu quả cao nhất./.

                                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông