Phòng chống quấy rối tình dục cho công nhân: Chuyện không nhỏ

07:56 10/07/2018

Mặc dù quấy rối tình dục (QRTD) là vấn đề mang tính phổ biến ở nhiều quốc gia, nhưng phòng chống và giải quyết QTTD ở Việt Nam, nhất là cho công nhân lao động vẫn còn ở một khoảng cách khá xa so với nhiều nước khác. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia về lao động...

Chuyên gia truyền thông về phòng chống QRTD cho công nhân lao động Công ty TNHH Quốc tế thời trang Việt Nam

Chiều 7-7, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng phối hợp với Trung tâm Hội nhập và Phát triển CDI, Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông phòng chống QRTD tới công nhân lao động Công ty quốc tế thời trang Việt Nam (KCN Tràng Duệ, An Dương).

Chương trình truyền thông thu hút hơn 200 công nhân nhà máy tham gia. Tại buổi tuyên truyền, công nhân được xem phim tài liệu, thảo luận cùng chuyên gia về vấn đề QRTD thông qua bộ câu hỏi với mức độ khó tăng dần. Từ đó, người lao động hiểu, biết cách ứng phó với những hành vi QRTD trong nhà máy. Đáng chú ý, trong Game Show “Rung chuông vàng” ở câu hỏi cuối cùng, 100% công nhân lao động cho rằng cần thiết lập cơ chế phòng chống QRTD tại nơi làm việc...

Bà Phạm Thị Hằng- Chủ tịch Công đoàn các KKT Hải Phòng, cho biết đây là buổi truyền thông thứ 2 trong chuỗi các sự kiện thuộc dự án phòng chống QRTD ở các nhà máy may mặc tại Hải Phòng. Dự án được Công đoàn Khu Kinh tế triển khai trong 3 năm (2018-2021) đến công nhân lao động các doanh nghiệp có đông người lao động là nữ là Công ty TNHH Regina Maricle (KCN Vsip Hải Phòng), Công ty TNHH Quốc tế thời trang Việt Nam và Công ty TNHH Toyoda Gosei (KCN Nomura Hải Phòng). Dự kiến, chương trình truyền thông tiếp theo sẽ đến với đoàn viên, công nhân lao động Công ty Toyoda Gosei.

Theo tìm hiểu, Bộ Luật Lao động năm 2012 đã quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trên thực tế các quy định của pháp luật hiện hành còn chung chung, chưa cụ thể, còn thiếu văn bản, tài liệu hướng dẫn đưa ra các tiêu chí, dấu hiệu để nhận diện hành vi nào là QRTD, làm cho việc phòng, chống hành vi QRTD cũng như việc xử lý hành vi vi phạm còn nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, quy định chưa đưa ra được sự giải thích cụ thể về khái niệm “quấy rối tình dục” để có thể hình dung cụ thể về hành vi nào, lời nói ra sao, điệu bộ, cử chỉ như thế nào mới được xem là QRTD.

Mặt khác, trong Bộ luật Lao động cũng chỉ mới nêu những hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của người lao động nhưng chưa có những chế tài cụ thể, trách nhiệm bồi thường về hành vi QRTD. Trong khi đó, theo một nghiên cứu do Bộ LĐTB&XH thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức lao động quốc tế (ILO), phần lớn các nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là lao động nữ tuổi từ 18- 30. Song các yếu tố văn hóa và nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc.

Hệ quả đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và nguồn kiếm sống ổn định của người lao động; đồng thời gây thiệt hại về năng suất, lợi nhuận cho người sử dụng lao động vì nhân viên phải nghỉ phép nhiều hơn hoặc phải bỏ việc.

Trước thực trạng trên, tháng 5-2015, Bộ LĐTB&XH đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Bộ Quy tắc ứng xử được xây dựng nhằm hướng dẫn việc triển khai trên thực tiễn những quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản có liên quan về việc phòng chống QRTD tại nơi làm việc cho người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, người lao động và tổ chức công đoàn để giải quyết có hiệu quả tình trạng QRTD.

Bộ quy tắc cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, sự phối hợp chặt chẽ của các bên trong việc xây dựng các thể chế, từng bước xây dựng mối quan hệ lao động phát triển hài hòa, lành mạnh, an toàn, năng suất, hiệu quả, chất lượng cao, bảo đảm tất cả người lao động, không phân biệt giới tính và địa vị xã hội, đều được đối xử một cách công bằng. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị trong việc xây dựng, ban hành, thi hành, giám sát thực hiện tại nơi làm việc về quấy rối tình dục; giúp người sử dụng lao động, người lao động tham khảo để xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của đơn vị, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc đấu tranh phòng, chống hành vi QRTD tại nơi làm việc.

Theo bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn các KKT Hải Phòng trong khi chờ đợi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể về QRTD tại nơi làm việc, để đối phó với tình trạng này cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của các hình thức QRTD, cách thức ngăn ngừa và nội dung của khung pháp lý có liên quan đến QRTD cho người lao động và người sử dụng lao động.

Cũng theo bà Hằng, do nhiều lý do, người phụ nữ thường bỏ qua sự việc bị QRTD, tuy nhiên càng nhẫn nhịn họ lại càng bị quấy rối nhiều hơn. Vì vậy, Công đoàn cần phải trở thành một địa chỉ tin cậy để người lao động có khiếu nại, bộc lộ tâm tư của mình.

Các tổ chức phụ nữ và quần chúng khác có thể đóng vai trò xúc tác thúc đẩy và hỗ trợ đối với những cá nhân bị QRTD nơi làm việc, đặc biệt khích lệ họ trong báo cáo về các hành vi QRTD. Và điều quan trọng là ngăn chặn hành vi QRTD nơi làm việc không chỉ bảo vệ quyền lợi của người lao động và còn giúp cho cả người lao động, lẫn người sử dụng lao động tránh được “tai tiếng” và những thiệt hại từ hệ quả của QRTD.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích