Phòng ngừa bệnh hô hấp mùa đông

    17:21 18/12/2022

    Khi thời tiết chuyển lạnh và khô hanh thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm đặc biệt là thời tiết khắc nghiệt như hiện nay gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Đồng thời, đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh do vi khuẩn, vi rút phát triển và lây lan như bệnh về đường hô hấp thường gặp như bệnh cảm cúm, viêm họng, đau khớp, tim mạch, viêm màng não, viêm phổi…

    Anh N.V.L (xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo) mắc hen suyễn nhiều năm, phải dùng thuốc corticoid và thuốc giãn phế quản xịt hàng ngày. Từ tháng 10, anh L. hết thuốc nhưng do bận việc gia đình nên không tái khám, cũng không mua thuốc. Sau đó, anh xuất hiện các đợt khó thở, tức nặng ngực về đêm.

    Hết giờ làm việc anh L chạy xe máy về nhà thì cảm thấy không thở được, ngay sau đó anh được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp. Các bác sĩ nhanh chóng điều trị thuốc giãn phế quản, thở oxy để cắt cơn hen. Hiện anh đã qua cơn nguy kịch và xuất viện sau một tuần điều trị.

    Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, thời tiết giao mùa thu đông không tốt cho đường thở, đặc biệt với người có sẵn bệnh hô hấp mạn tính. Hít thở không khí lạnh khô khiến lớp chất lỏng bao phủ trên bề mặt niêm mạc phế quản bị khô nhanh, không kịp tái tạo dễ dẫn đến kích ứng, gây triệu chứng ho, thở khò khè, khó thở.

    Các đợt nóng lạnh đan xen nhau cũng khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập. Hai tác nhân này gây bùng phát đợt cấp ở người bệnh hen suyễn, các bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) với tần suất dồn dập, đặc biệt là về đêm hoặc khi gắng sức.

    Thời tiết lạnh, số ca mắc các bệnh đường hô hấp nhập viện gia tăng

    Nếu không nhận biết, xử lý kịp bằng cách dùng thuốc cắt cơn, thuốc kháng viêm, tình trạng khó thở kéo dài có thể dẫn đến giảm oxy máu, thiếu máu não, ngất, mất ý thức, thậm chí tử vong.

    Nguy cơ gặp cơn hen cấp tính nặng cao hơn khi người bệnh gián đoạn dùng thuốc kháng viêm (corticoid hít, xịt) do tâm lý chủ quan, thường bỏ thuốc khi thấy bệnh thuyên giảm hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc.

    Theo báo cáo của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, từ đầu tháng 10, thời tiết chuyển lạnh nên số bệnh nhân đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp tăng nhiều so với các tháng trước.

    Trong đó, chủ yếu là bệnh cấp tính như viêm phổi, viêm mũi - họng - phế quản với các triệu chứng gần giống nhau, khó phân biệt. Bệnh không được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời dễ tái phát, chuyển thành mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

    Thời tiết hanh khô kèm nhiệt độ thay đổi thất thường dễ khiến các bệnh hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tăng tỷ lệ tái phát và tiến triển nặng. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng do điều trị không đúng, tự ý dừng thuốc hoặc chủ quan trong dự phòng.

    Theo ghi nhận tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh mắc hen suyễn, COPD tái phát, thậm chí nguy kịch. Lớp chất lỏng bao phủ bề mặt niêm mạc phế quản bị khô nhanh do hít thở không khí lạnh khô, không kịp tái tạo dẫn đến kích ứng.

    Các tác nhân bất lợi như khói bụi, vi khuẩn, virus có cơ hội xâm nhập dẫn đến viêm, khiến bệnh trở nặng. Các trường hợp này cần nhận biết và xử trí kịp bằng thuốc cắt cơn, kháng viêm, tránh diễn tiến xấu như khó thở dẫn tới giảm oxy máu, thiếu máu não, mất ý thức dẫn tới tử vong.

    Nhiều người bệnh có tâm lý chủ quan, tự ý dừng thuốc khi thấy triệu chứng giảm hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc kháng viêm dẫn tới nguy cơ gặp cơn hen cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng.

    Ông N.V.N (xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng) cho biết mới ra viện được 2 tuần, trong thời gian điều trị tại bệnh viện các bác sĩ kết hợp giữa nội khoa và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng phổi như phương pháp tập hít thở, vỗ rung, vận động trị liệu làm sạch đường thở… giúp cải thiện sức khỏe. Nhờ phác đồ này nên ông đã cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng khi thay đổi thời tiết.

    Bên cạnh các bệnh hô hấp, người bệnh nhập viện, các cơ sở y tế điều trị viêm mũi, họng tăng 30% so với tháng trước. Theo các chuyên gia y tế, mũi họng dễ bị tổn thương do tác động đột ngột của thời tiết. Nếu không điều trị đúng cách, nhiễm trùng lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm phổi với nhiều biến chứng nguy hiểm.

    Hiện nay, có tình trạng người dân thường có tâm lý chủ quan khi xử trí bệnh mũi họng, thường điều trị tại nhà, tự mua thuốc uống thay vì thăm khám. Thói quen này dẫn tới lạm dụng kháng sinh, thuốc chống co mạch điều trị ngạt mũi, tự dùng các bài thuốc truyền miệng không có cơ sở khoa học. Nhiều ca tự ý dùng thuốc khiến bệnh chuyển biến nặng, gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị do bệnh đã chuyển mạn tính.

    Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần tuân thủ phác đồ điều trị và lịch tái khám, tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu, ho gà, Covid-19, thực hiện các biện pháp bảo vệ đường hô hấp... là yếu tố quan trọng giúp điều trị ổn định bệnh hô hấp, tránh tái phát do tác động của thời tiết và môi trường.

    Những người không mắc bệnh cũng cần bảo vệ sức khỏe bởi thời điểm này có nhiều yếu tố kích thích đường thở như phấn hoa, bụi khói, không khí khô hanh có thể là tác nhân khởi phát bệnh hô hấp.

    Để phát hiện chính xác nguyên nhân bằng kinh nghiệm của bác sĩ với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại như nội soi, chụp CT-scan, điều trị đúng phác đồ là điều kiện tiên quyết giúp các bệnh mũi họng phế quản tránh tái phát. Khi có triệu chứng của bệnh, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông