18:44 17/09/2017 Hiện nay, ngoài việc nâng cao chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao (TDTT) trong nhà trường. Thông qua các giờ học thể chất, hoạt động thể thao học đường đã không chỉ nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất mà còn góp phần rèn luyện ý chí, kỷ luật và lối sống lành mạnh cho học sinh.
Một vũ điệu của học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn
Khơi dậy niềm đam mê
Nguyễn Minh Châu, năm nay học lớp 10 cho biết, sau những buổi học vùi đầu vào sách vở là em lại có một “niềm vui nho nhỏ”. Đó là em được cùng các bạn buông mình theo những điệu nhạc sôi động, thả niềm đam mê vào những vũ điệu tự do, hiện đại. “Ở nhà cháu, ai cũng dành thời gian để đi tập thể dục thể thao cô ạ. Chỉ có học sinh như cháu là ít vận động thôi”- Minh Châu tâm sự.
Bố thì đi bộ một tiếng mỗi buổi chiều. Mẹ tranh thủ lúc rảnh rỗi lại cùng các cô bác nội trợ cùng xóm qua phòng yoga để “tìm lại tuổi thanh xuân”. Đến ngay cả bà nội đã ngoài 80 tuổi của Minh Châu còn chịu khó đi lại, vận động khiến cho cô bé đang độ tuổi ăn tuổi lớn luôn thấy bứt rứt khi chỉ vùi đầu vào sách vở.
Nhiều lần, để cho con có chỗ tập, giải tỏa thể lực dư thừa và rèn luyện cơ thể đang lớn của mình bố cô bé tìm lớp học aerobic gần nhà song dường như những phòng tập chỉ có bài tập dành cho người lớn tuổi, thiếu sức hấp dẫn với các học sinh. Năm học mới này, Minh Châu đã thỏa nguyện khi trường cấp ba có mời các giáo viên các bộ môn thể thao ưa thích về dạy cho học sinh. Mỗi tuần 2 buổi, Minh Châu được tập các vũ điệu hiện đại, phù hợp lứa tuổi của mình...
Thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết, nhà trường đã tổ chức các tiết học giáo dục thể chất theo phong cách mới. Thông qua việc đổi mới trong cách giảng dạy và nội dung các môn học đã làm cho các tiết giáo dục thể chất không còn mệt mỏi, buồn chán, mà thay vào đó là một không khí sôi động.
Mới đây nhất, nhà trường tổ chức Hội thi Vũ điệu Trần Nguyên Hãn với quy mô cấp trường. Tại hội thi, các nhóm nhảy đẹp nhất của các lớp, khối lớp đã đua tài, thể hiện những vụ điệu mạnh mẽ, duyên dáng nhất. Thông qua tranh tài, các em học sinh có cơ hội giao lưu, rèn luyện ý chí, sức phấn đấu, đồng thời cũng tạo sức hấp dẫn cho các bộ môn giảng dạy trong nhà trường.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, đến nay, 100% trường học trên địa bàn thành phố đều bảo đảm chương trình giáo dục thể chất 2 tiết/tuần trong các trường học. Bên cạnh mục tiêu góp phần giữ gìn và nâng cao sức khỏe, thể lực cho học sinh, các nhà trường đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học ở từng cấp học để năng động, sáng tạo thực hiện đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Tổ chức tốt các hoạt động TDTT ngoại khóa, tăng cường các hình thức hoạt động theo nhóm, cá nhân, tổ chức thi đấu, trò chơi vận động, trò chơi dân gian… tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.
Tạo niềm đam mê cho giới trẻ bằng những vũ điệu
Đầu tư mạnh mẽ cho TDTT học đường
Ông Phạm Sỹ Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục quận Hải An cho biết, quận triển khai mạnh mẽ chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn. Hiện nay, toàn quận đã lắp đặt 4 bể bơi di động tại 4 trường học, gồm: trường THCS Đông Hải, trường tiểu học Cát Bi, trường tiểu học Đông Hải 2, trường tiểu học Tràng Cát. Các trường học phối hợp với các cơ sở có đủ điều kiện, như: Trung tâm huấn luyện thể thao thành phố, trường Cao đẳng Thủy sản tổ chức dạy bơi cho học sinh, thu hút gần 5.000 học sinh tham gia...
Để đẩy mạnh phong trào TDTT học đường, UBND thành phố, sở Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm cung cấp nhiều trang thiết bị dạy học cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn, chỉ đạo sử dụng các đồ dùng dạy học hiện có, thường xuyên vệ sinh sân bãi đảm bảo cho việc tập luyện, khuyến khích các giáo viên tự làm đồ dùng dạy học và đề xuất UBND thành phố, các đơn vị tài trợ bổ sung mua mới đồ dùng dạy học cho các đơn vị giáo dục. Nhiều địa phương cũng đã quan tâm tạo điều kiện về diện tích đất, cũng như vận động xã hội hóa đầu tư các công trình phục vụ giáo dục thể chất trong các nhà trường.
Tất cả giáo viên làm công tác thể dục thể thao của các đơn vị trường học đều được đào tạo chính quy, có trình độ đào tạo từ Cao đẳng trở lên, chuyên ngành Thể dục. Hầu hết các giáo viên tham gia giảng dạy TDTT trong các trường học tuổi đời còn trẻ, có năng lực nhiệt tình trong công tác, có kinh nghiệm giảng dạy trong tập luyện thể dục chính khóa cũng như các hoạt động ngoại khóa, và luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hàng năm, ngành GD&ĐT Hải Phòng tổ chức cho các đơn vị tham gia viết đề tài nghiên cứu và sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới công tác giáo dục thể chất trong các cấp học; thường xuyên tổ chức các hoạt động TDTT trong các nhà trường để cho học sinh có điều kiện tham gia rèn luyện thân thể nâng cao sức khỏe; thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, quận (huyện) tiến tới Hội khỏe Phù đổng cấp thành phố xem đây là hoạt động lớn nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích trong tuổi trẻ học đường, đồng thời giáo dục học sinh ý thức thường xuyên tham gia tập luyện TDTT. Tuyên truyền ý nghĩa và tác dụng của luyện tập TDTT nhằm nâng cao sức khoẻ cơ thể để phục vụ học tập, lao động, sản xuất.
Giờ học thể chất giờ đã khác xưa
Những mục tiêu lớn
Thông qua phát triển TDTT học đường, 100% học sinh trong các nhà trường được học môn giáo dục thể chất để rèn luyện sức khỏe và có cơ hội được tham gia các môn thể thao do thành phố và đặc biệt là do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Ngoài ra, giữa các phòng giáo dục, các trường Đại học, Cao đẳng, các trường THPT và các đơn vị giáo dục khác trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu về thể dục thể thao (cả học sinh và giáo viên cùng tham gia); đặc biệt thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các câu lạc bộ TDTT của thành phố với các tỉnh thành khác trên cả nước; chú trọng và đẩy mạnh việc triển khai công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh; có kế hoạch tổ chức, quản lý và hướng dẫn học sinh tham gia các lớp học bơi ngoại khóa trong năm học và dịp hè...
Qua các kỳ tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp, học sinh Hải Phòng luôn đạt thành tích cao, với thế mạnh là các môn erobic, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, điền kinh, cờ vua... đã đạt được nhiều thứ hạng nhất, nhì cấp toàn quốc. Công tác tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, cấp quận (huyện) được thực hiện tốt, đúng quy định.
Một số hạn chế, khó khăn trong công tác TDTT và phong trào HKPĐ là còn nhiều đơn vị giáo dục trên địa bàn thành phố thiếu nhà tập phục vụ giảng dạy ngoại khóa môn thể dục, đơn cử như các môn, bóng rổ, bóng chuyền...
Mục tiêu của ngành GD&ĐT Hải Phòng từ nay đến 2020 là, 100% các đơn vị giáo dục đảm bảo dạy đủ tiết và có chất lượng môn thể dục theo quy định của Bộ GD&ĐT; tổ chức, thực hiện tốt công tác TDTT, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng thường xuyên có nề nếp và có chất lượng; triển khai trên diện rộng có hiệu quả các giải pháp rèn luyện TDTT nâng cao sức khỏe trong các nhà trường, tham gia đầy đủ các nội dung thi đấu trong kỳ HKPĐ toàn quốc dự kiến 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác TDTT cần được chú trọng và xem đây là điều kiện để phát triển toàn diện cho tuổi trẻ học đường, cần có sự đầu tư đúng mức cho các hoạt động TDTT, tạo mọi điều kiện để giáo viên làm công tác TDTT trường học phát huy tài năng trí tuệ của mình. Hoạt động tập luyện nội, ngoại khóa cần được duy trì, làm tốt công tác phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ trong từng năm học, từng chu kỳ HKPĐ.
Phong trào thể dục thể thao cần phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng; đưa thêm một số môn phát triển phong trào và thi đấu như: Thể dục, Vật tự do, Bắn cung, Đấu kiếm, Võ dân tộc, Vovinam…; kiện toàn, duy trì hệ thống giải truyền thống hàng năm đối với cán bộ, giáo viên (Erobic, Bóng bàn, Cầu lông, cờ vua …..); xây dựng hệ thống giải truyền thống định kỳ dành cho học sinh hàng năm tùy theo theo môn thi đấu: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ vua,….
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024