Quản lý xe hộ đê: Cần một chế tài mạnh

15:57 23/06/2017

Lực lượng công an kiểm tra một xe hộ đê

Lực lượng công an kiểm tra một xe hộ đê

Giữa những lúc “trời yên biển lặng”, thậm chí là nắng chang chang, thỉnh thoảng đâu đó trên khắp các cung đường từ nội ra ngoại thành, đường quốc lộ, cao tốc, người dân thành phố lại bắt gặp những chiếc xe biển xanh, biển trắng, kể cả xe con, xe du lịch… dán trên kính lái phù hiệu “xe hộ đê”. Liệu có phải sự… “tràn ngập” của dòng xe ưu tiên này xuất phát từ sự cả nể, buông lỏng quản lý khiến cho việc lạm dụng chức năng nhiệm vụ của nó tồn tại từ nhiều năm nay, làm giảm đi vai trò, quyền hạn cũng như trách nhiệm của xe hộ đê, gây phản cảm trong dư luận xã hội?

Chỉ vì… “cả nể”?

Theo Quyết định số 92/2008/QĐ-BNN ngày 17-9-2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, xe hộ đê chỉ được sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp về hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu  nạn (PCTT&TKCN) do cấp có thẩm quyền cấp phép.

Hải Phòng được xác định là một địa bàn trọng điểm trong công tác PCTT, TKCN trong mùa mưa bão, chính vì vậy mà theo ông Nguyễn Bá Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão, Sở NN&PTNT Hải Phòng, khi các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ làm công tác này được cấp biển hộ đê (phù hiệu riêng in chữ “Xe hộ đê” dán trên kính lái), đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng yêu cầu lưu thông phương tiện một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất phục vụ các tình huống khẩn cấp. Chiếu theo đó, hiện hầu hết các sở ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đều có xe hộ đê.

Đáng tiếc, vì mục đích khác, một số tổ chức, cá nhân đã lạm dụng biển hộ đê lưu thông xe trái với quy định. Thời tiết đang ở trạng thái bình thường, không có sự cố thiên tai song rất nhiều phương tiện cơ giới cũng giương biển hộ đê lên chạy khắp nơi nhằm miễn phí đường bộ, cầu phà. Điều đáng nói là, khi gặp những trường hợp như vậy, mặc dù thấy bất bình, phản cảm, người dân không có quyền hạn xử lý chỉ biết tặc lưỡi: “Cán bộ nhà nước cả ấy mà…”.

Còn các đơn vị chức năng như cơ quan quản lý, thu phí đường bộ, đường thủy; lực lượng CSGT, thanh tra giao thông thì lại thường vì tâm lý cả nể mà “lặng lẽ” cho qua. Thậm chí có trường hợp còn chẳng cần yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ chứng minh việc sử dụng xe hộ đê như lệnh điều xe, giấy giới thiệu của cơ quan quản lý, giấy công tác… bởi có hỏi cũng lại lâm vào thế rất “khó xử”.

Như được đà, số lượng  “xe hộ đê” xin cấp phép có lẽ vì thế mà ngày một tăng lên.

Không chỉ vậy, xét về mặt quản lý nhà nước, theo phản ánh của nhiều người dân, việc đề nghị để được cấp biển xe hộ đê trên địa bàn thành phố đang tồn tại những lỗ hổng.

Cũng chỉ vì 2 chữ “cả nể”, khó tránh khỏi có trường hợp lái xe là người nhà của cán bộ, công chức các cơ quan chức năng nào đó có “nguyện vọng” xin cấp biển xe hộ đê, chỉ cần làm vài văn bản sau đó xin dấu của đơn vị chủ quản gửi đơn vị quản lý, phát hành, cấp biển xe hộ đê (không phải là CSGT) là được duyệt.

Mới thấy, ngay từ khâu ban đầu là cấp biển nếu đã lỏng như vậy thì thử hỏi khâu quản lý làm sao để “xiết chặt”?!

Cương quyết thu hồi biển xe hộ đê sử dụng trái quy định

Mùa mưa bão đang đến gần, để từng bước chấn chỉnh tình trạng trên, trả lại đúng ý nghĩa cho biển xe hộ đê là để dự phòng, sử dụng trong trường hợp khẩn cấp về hộ đê, PCTT, TKCN, Chi cục trưởng Chi cục PCTT&TKCN Nguyễn Bá Tiến cho biết một thông tin “nóng sốt”: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP vừa có văn bản yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các quận/huyện; thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý, rà soát việc sử dụng biển xe hộ đê của các tổ chức, cá nhân trực thuộc đơn vị mình quản lý; chỉ cho sử dụng trong các trường hợp được điều động làm nhiệm vụ khẩn cấp; tránh lạm dụng để được miễn phí đường bộ, phà đò khi lưu thông trong trạng thái bình thường.

Khi điều động xe phải cấp giấy điều động, hoặc lệnh điều xe, công lệnh, văn bản giao nhiệm vụ, các loại văn bản khác chứng minh đang thực hiện nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của ngành, địa phương và nhiệm vụ khẩn cấp khi được UBND TP, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP giao.

 Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp biển xe hộ đê có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, theo phân công của cấp có thẩm quyền. Khi sử dụng biển xe hộ đê, người điều khiển phương tiện, hoặc người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm cung cấp, chứng minh đang thực hiện nhiệm vụ bằng một trong các giấy tờ nêu trên. Đối với các trường hợp vi phạm, bị lực lượng CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP sẽ ra quyết định thu hồi.

 Và để làm được điều đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương - các đơn vị chủ quản và sự cương quyết, “thẳng tay” của các lực lượng chấp pháp, đặc biệt là lực lượng CSGT đối với các trường hợp lạm dụng biển xe hộ đê lưu thông trái quy định.

Khánh Chi

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông