14:53 11/06/2022 Chiều 10-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu rõ: Khánh Hòa là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung bộ, chiếm vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước; trong liên kết vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên;trong hội nhập quốc tế thông qua Biển Đông và khu vực ASEAN.
Khánh Hòa có nhiều lợi thế vượt trội với các giá trị ngoại hạng cấp quốc gia và toàn cầu của quân cảng và sân bay quốc tế Cam Ranh, của vịnh đẹp Nha Trang, vịnh Vân Phong (từng được định hướng trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt), của huyện đảo Trường Sa (với vị thế địa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nướctừ phía biển).
Tỉnh Khánh Hòa cũng có bờ biển dài hơn 385 km và mật độ đảo đứng thứ 3 cả nước với hơn 200 đảo lớn nhỏ, có thềm lục địa và vùng lãnh hải rộng lớn với nguồn tài nguyên biển đa dạng, giàu có; với cảnh quan biển đảo và bờ biển đẹp độc đáo, đặc biệt biển Khánh Hòa là phần chính của trung tâm đa dạng sinh học biển toàn cầu ở Biển Đông.
Ngoài ra, Khánh Hòa có mũi Đôi là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc, gần đường hàng hải quốc tế, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Có thể nói, biển và tiềm năng kinh tế biển là những yếu tố then chốt của Khánh Hòa, trong đó du lịch biển đã nổi tiếng trên bản đồ du lịch biển ASEAN và quốc tế.
Trên đất liền, Khánh Hòa có mạng lưới giao thông khá thuận lợi có khả năng nối kết với các trục giao thông đường bộ quan trọng của cả nước. Khánh Hòa còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, kiên cườngtrong kháng chiến; được ghi nhận qua nhiều sự kiện lịch sử và là tỉnh miền Nam duy nhất được đón Bác Hồ trở lại kể từ khi Người rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường, cứu nước.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, những lợi thế vượt trội của Khánh Hòa đã được nhận diện, và nếu được phát huy đúng tầm thì chắc chắn sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước. Chính vì vậy, ngày 28/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
NQ 09 yêu cầu: Xây dựng và phát triển Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa và cả nước.
Cho nên, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là rất cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng, là quá trình thể chế hóa để giúp Khánh Hòa khắc phục, tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai NQ, cũng như tạo cơ chế đột phá nhằm huy động tối đa nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh vượt trội của tỉnh, giúp Khánh Hòa đạt được các mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, các nội dung trong dự thảo Nghị quyết cơ bản bám sát chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 ngày 28/1/2022 về xây dựng và phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội khóa 14, 15 ban hành cơ chế đặc thù như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu
Đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung của dự thảo nghị quyết. Ngoài các quy định tương tự như các địa phương đã có cơ chế đặc thù, dự thảo lần này đã quy định những chính sách hoàn toàn hết sức mới. Đây là những chính sách tương thích với những lợi thế xuất phát từ thực tế tỉnh Khánh Hoà như tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, phát triển Khu kinh tế Vân Phong, phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.
Đây là hạt nhân, là đòn bẩy, tạo chuỗi liên kết và động lực quan trọng để phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong thời gian tới, phát huy những kết cấu hạ tầng đã được đầu tư như hệ thống cao tốc ở phía Đông, sân bay Cam Ranh, thương hiệu biển của Khánh Hòa và các hạ tầng hình thành trong thời gian tương lai.
Về cụ thể, đại biểu nêu rõ, việc thí điểm tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, việc thực hiện các dự án giao thông và các công trình hạ tầng khác có vấn đề khó khăn nhất là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, thí điểm cơ chế này cho tỉnh Khánh Hòa thực sự phù hợp. Khi địa phương làm chủ đầu tư, bám sát cơ sở hơn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm giá cả, việc đền bù thỏa đáng, phần tái định cư thuận lợi hơn, tạo điều kiện sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống về lâu dài.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị làm rõ thêm hiệu lực pháp lý của kết quả kiểm đếm về giá đất, việc thỏa thuận với dân, việc công khai giá để bảo đảm tính thuyết phục rõ ràng, minh bạch, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong quá trình triển khai chuẩn bị dự án. Đồng thời không làm tăng kinh phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước, quyền và lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng đánh giá, tổng kết toàn diện kết quả thí điểm để nhân rộng áp dụng cơ chế này trên phạm vi toàn quốc.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu
Đồng tình ủng hộ Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Khánh Hòa rất xứng đáng, thậm chí xứng đáng hơn các địa phương khác, vì Khánh Hòa đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có Cảng Cam Ranh thuộc Vịnh Cam Ranh – một cảng biển nước sâu, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ đất nước.
Tuy nhiên đại biểu cho rằng, Khánh Hòa cần có sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách đặc thù của 8 địa phương trước đó để cơ chế đặc thù của Khánh Hòa rõ ràng hơn. Hiện các cụm chính sách còn chưa tường minh, do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu thêm, cụ thể là minh định cơ chế đặc thù.
Đại biểu nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ thiết kế được các chính sách đặc thù cho Khánh Hòa trên ba phương diện: cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính và phân cấp, phân quyền. “Trong dự thảo Nghị quyết, chúng ta chỉ thấy bóng dáng của đầu tư và tài chính. Điều quan trọng là phải tạo cho Khánh Hòa có năng lực pháp lý của chính quyền để tự định đoạt được cơ chế thu hút đầu tư”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị phải rà soát lại, chỉnh sửa Nghị quyết theo hướng trao cho Khánh Hòa quyền được quyết định chủ trương đầu tư để thu hút được công nghệ mới. Nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã đặt ra mục tiêu từ nay đến 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và trở thành cực tăng trưởng miền Trung, Tây Nguyên, tức là là một địa điểm kích nổ cho sự phát triển lan truyền miền Trung và Tây Nguyên.
“Như vậy đầu tư công phải tăng lên và cơ chế đặc thù chính là Khánh Hòa được quyền tự quyết định đầu tư, tự quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng năng động hơn; quyền được tự tổ chức bộ máy, phù hợp với tiêu chí quản lý của Luật tổ chức chính quyền địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.
Cho rằng câu chuyện cơ chế đặc thù sau Khánh Hòa nên khép lại, thay vào đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị cần tổng kết và phân loại chính quyền địa phương theo từng quy mô, cấp độ phát triển để có chính sách riêng cho từng nhóm. Có như vậy mới thúc đẩy được các thể chế về nhà nước, về kinh tế, văn hóa phát triển đúng với định hướng chiến lược.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị; phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa tạo điều kiện động lực để Khánh Hòa phát triển bứt phá trong thời gian tới; khai thác phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát huy thế mạnh của mình trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cũng là đảm bảo mục tiêu phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình nghiên cứu các cơ chế, chính sách tập trung bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội. Đồng thời tương thích với các cơ chế, chính sách Quốc hội đã cho phép thí điểm tại 8 tỉnh trước đây áp dụng; phù hợp với vai trò, vị trí, điều kiện thực tế của tỉnh Khánh Hòa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân là phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa. Bộ trưởng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì cùng với tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ và tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá để giúp cho Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới. Trước mắt, chọn ra 11 nhóm chính sách đã nêu trong Tờ trình, trong đó có 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh được cho phép thí điểm và 4 chính sách mới và được nhiều đại biểu đồng tình.
Giải trình về việc cho phép điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản của Khu kinh tế Vân Phong để thực hiện trước, Bộ trưởng cho biết, từ khi bắt đầu lập chủ trương đầu tư cho đến khi giải phóng mặt bằng dự án phải thực hiện 6 bước. Nếu thực hiện trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn dự án thì sẽ rút ngắn được 6-12 tháng, còn tất cả quy trình vẫn giữ nguyên để đảm bảo đúng quy định, đúng quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.
Về thí điểm tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, hiện Quốc hội đã cho chủ trương và giao cho Chính phủ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Bộ trưởng đề nghị trong quá trình nghiên cứu xin phép Quốc hội cho Khánh Hòa được thí điểm thực hiện trước, nếu được sẽ rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng và cũng là điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có chiến lược để thực hiện các dự án lớn.
Về cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, trong khi chúng ta đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá. Vì vậy dự thảo nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn và đã có một loạt giải pháp như đã báo cáo trong Tờ trình.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu cần có cam kết về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược để bổ sung dự thảo Nghị quyết. Về các chính sách ưu đãi áp dụng bình thường đúng như quy định của Điều 15 Luật Đầu tư, cũng như các điều kiện của các nhà đầu tư trong các khu kinh tế. Ngoài ra, có hai chính sách bổ sung thêm được trừ phần trăm chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu đãi, ưu tiên về các thủ tục hải quan, thuế trong với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với Quỹ phát triển nghề cá của Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết đây là quỹ của quốc gia thuộc loại hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Chính phủ thành lập và giao cho Khánh Hòa quản lý, nhằm thu hút và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án, công trình ngoài khơi, nhất là các hạ tầng cho nghề cá, hạ tầng cho đánh bắt ngoài khơi, phòng chống thiên tai, bão lũ….
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với các vùng khác như vùng Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc để tạo sự phát triển đồng đều trong cả nước.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung trọng tâm như: tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết; mở rộng nội dung hỗ trợ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và rừng sản xuất; việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; xác định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết; quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh…
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024