Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn Làm rõ nhiều vấn đề nóng, dư luận quan tâm về ngân hàng; y tế

08:48 12/11/2024

Ngày 11-11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Lãnh đạo Chính phủ; các Bộ, ngành Trung ương cùng tham gia trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn

Phát biểu khai mạc cuộc chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của mỗi kỳ họp Quốc hội.

 Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp, 3 nhóm vấn đề Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

           Với tinh thần đổi mới, “hỏi nhanh, đáp gọn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.

Đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại phiên chất vấn

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) có cấu hỏi chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Theo đại biểu, cơn bão số 3 (Yagi) gây ra trình trạng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tại khu vực miền Bắc. Qua thống kê cho thấy tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.703 tỷ đồng. Trong đó các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là: Quảng Ninh 24.876 tỷ đồng, Hải Phòng 12.249 tỷ đồng, Lào Cai 6.834 tỷ đồng. Do đó, để người dân mau chóng ổn định cuộc sống rất cần các giải pháp đồng bộ, kịp thời từ các Bộ ngành, địa phương để khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống nhân dân và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết các giải pháp của ngành ngân hàng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển sau bão.

 Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trước bối cảnh khó khăn, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí, Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngân hàng không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nhận diện để khắc phục, tiến tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Kết luận phần chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm.

Một là, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả, chủ động, linh hoạt, bảo đảm thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn 

Hai là, triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu biện pháp khuyến khích người dân bán vàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2025, tiến hành tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày -4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ba là, sớm có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ổn định sản xuất, kinh doanh sau bão, lũ, sạt lở đất; thúc đẩy tín dụng xanh. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai thuận lợi các chương trình tín dụng ưu đãi.

          Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của toàn xã hội. Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế luôn tập trung tham mưu, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về y tế, với mục tiêu xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đảm bảo an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, già hóa dân số và các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng, cuộc sống của người dân, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần ổn định an sinh xã hội. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành, xây dựng các dự án luật trình Quốc hội, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ban hành theo thẩm quyền các Chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, văn bản pháp luật, định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn tới, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. 

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đã dần tháo gỡ nhiều vấn đề cụ thể như: tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; mua sắm đấu thầu thuốc, vắc xin, vật tư y tế, bảo hiểm y tế, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế… Bên cạnh đó, Bộ cũng quyết liệt chỉ đạo việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, phục vụ công tác khám bệnh chữa bệnh, qua đó giảm phiền hà, tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, ngành y tế xác định còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc, thẳng thắn và cầu thị, Bộ Y tế trân trọng lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề của ngành được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường…

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông