Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan

16:37 07/06/2022

Chiều 7-4, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

                                                        

          Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn

                                                                     Chất vấn sôi nổi, thực chất

 Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo Chương trình kỳ họp, phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 được tổ chức trong thời gian 2,5 ngày từ chiều ngày 7/6 đến hết ngày 9/6/2022, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Kênh truyền hình Quốc hội.

                                                         

                                                        Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

       Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung và hoạt động chất vấn trả lời chất vấn nói riêng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân và cử tri, đề nghị các đại biểu Quốc hội, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát thực tế khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất; tiết kiệm và sử dụng tối đa thời gian Kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhân dân và cử tri cả nước đang chờ đợi câu trả lời thẳng thắn và trách nhiệm của các vị Bộ trưởng.

                                          Nhiều nhóm vấn đề nóng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân

         Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  Lê Minh Hoan là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Bộ trưởng sẽ giải đáp chung quanh nhóm vấn đề về công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Bên cạnh đó là giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

                                     

                                                   Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

      Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại Kỳ họp thứ 3 và phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa 13 vừa thảo luận chuyên đề về tam nông. 

                              

                                                               Quốc hội tiến hành phiên chất vấn chiều 7-6

      Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn, vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện lại bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công. 

     Nhận diện phát hiện vấn đề không chỉ không thể chỉ từ trong nội bộ một tổ chức vì vốn dĩ tổ chức ít nhiều còn khô cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với những yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phiên chất vấn không chỉ dừng lại là câu hỏi và trả lời, chất vấn và giải trình mà còn là dịp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm những vấn đề đã tồn tại từ lâu và cả những vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng.

     Theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức trách trong vai trò quản lý chuyên ngành mang nặng yếu tố kỹ thuật. Trong khi đó, 499 vị đại biểu Quốc hội từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương quán xuyến, bao quát các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ có cách thức, quan điểm tiếp cận vấn đề nhiều góc độ khác nhau dưới nhiều cấp độ khác nhau. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng bày tỏ sẵn sàng lắng nghe và giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

                                                                            Đại biểu lo ngại đầu ra cho nông sản

      Ngay đầu giờ phiên chất vấn, đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Các đại biểu: Chu Thị Hồng Hải (Lạng Sơn); Hoàng Anh Công (Thái Nguyên); Dương Văn Phước (Quảng Nam); Dương Khắc Mai (Đắk Nông); Lê Thị Song An (Long An)…. chất vấn các về vấn đề: Quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh công nghệ cao; đầu ra cho nông sản hàng hóa…

                                                   

                                                        Đại biểu Chu Thị Hồng Hải (Lạng Sơn) chất vấn

    Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lê Minh Hoan cho biết, Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ, chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường. Bộ trưởng chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

                                       

                                                        Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) chất vấn

           Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức rất cao trong bối cảnh khó khăn. Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu…

       Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu để chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra cái giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.

                                 

                                                               Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chất vấn

      Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương cũng đã có rất nhiều phiên họp, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này cố gắng thuyết phục. Bộ trưởng cho biết, trong nền kinh tế thị trường không dễ mà áp đặt một mệnh lệnh hành chính. Trong hoàn cảnh này, các hiệp hội cũng đã có những can thiệp nhất định…

    Về hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Bộ đã tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản địa phương tới thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thông qua các diễn đàn trọng điểm, như: Sơn La (mận, xoài, bơ, chanh leo, na, nhãn, mắc coọc), Hòa Bình (sản phẩm chế biến từ cam và chanh, măng sơ chế, chè), Lào Cai (trái cây, thủy sản), Bắc Giang (nhãn, vải), Lạng Sơn (na), Đồng Tháp (thanh long, ổi, cam, chanh, xoài, nhãn, khoai, dưa vàng, rau củ, các loại bún miến), Lâm Đồng (rau, củ, quả), Vĩnh Long (khoai lang, rau quả)...

      Cùng với đó, tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn, hữu cơ, sản phẩm “OCOP” thông qua các sự kiện lớn như hội chợ, triển lãm và các phiên chợ, điểm giới thiệu. Phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp phân phối, logistic lớn để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, HTX nông nghiệp; thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua các kênh phân phối hiện đại, nâng cao ý thức về đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn chế các vấn đề bất ổn về giá cả.

                                  

                                                            Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) chất vấn 

       Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cũng thẳng thắn nhìn nhận, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao làm chi phí sản xuất và giá sản phẩm nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản. Kết nối tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; nhiều địa phương còn hạn chế về nguồn lực, cơ chế, chưa có kịch bản tổng thể phát triển thị trường và sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa theo đặc thù và lợi thế so sánh của địa phương, nên còn lúng túng trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

      Lý giải về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này, theo tư lệnh  ngành nông nghiệp là do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu, nên chịu tác động biến động giá nguyên liệu thế giới. Việc sản xuất không theo định hướng quy hoạch tại nhiều vùng, địa phương vẫn còn phổ biến, dẫn đến nguồn cung sản phẩm vượt quá nhu cầu thị trường, gây ra hiện tượng mất cân đối cung - cầu.

     Cơ chế chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước thời gian qua đã được Trung ương quan tâm điều chỉnh theo hướng tăng cường hỗ trợ cho các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX; nhưng trong triển khai thực tiễn, cách làm còn hạn chế về nội dung, định mức hỗ trợ.

      Bên cạnh chú trọng thị trường xuất khẩu, còn chưa quan tâm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của thị trường tiêu thụ trong nước. Kinh phí dành cho nội dung phát triển thị trường trong nước theo Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022 của Chính phủ chỉ chiếm hơn 19% tổng kinh phí của cả Chương trình. Trong nhóm phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 7,5%...

    Để khắc phục, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu. Theo đó, tăng cường đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử; tăng cường kết nối cung cầu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

       Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề nổi cộm, bức xúc  trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân của nước ta.

     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích