Quốc hội bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thảo luận về Luật Công chứng và cải cách tiền lương

08:52 26/06/2024

Ngày 25-6, Quốc hội quyết định điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7 với việc bổ sung xem xét một số nội dung quan trọng, cụ thể là cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và làm công tác nhân sự.

                                  Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

           Ngày 25-6, tại Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 15.

          Theo đó, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, đại biểu Quốc hội khoá 15 giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 15.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải được bầu là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15

Bà Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1970 tại Hà Nội, là PGS. TS vật lý; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, 13; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 (từ tháng 4-2016), khóa 14 (đến tháng 6-2020); Đại biểu Quốc hội khóa 13,14,15.

          Trước khi được Bộ Chính trị điều động giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên (từ tháng 6 năm 2020), bà Nguyễn Thanh Hải có thời gian dài công tác tại các cơ quan của Quốc hội.

Bà từng trải qua các vị trí: Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

          Cũng trong ngày 25-6, Quốc hội  đã tiến hành quy trình cho cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Đinh Tiến Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội  thành phố Hà Nội.

          Ngày 21- 6, căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Đinh Tiến Dũng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13.

Trước đó 2 ngày, Bộ Chính trị sau khi xem xét đã đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành uỷ, thôi giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá 15  thành phố Hà Nội. 

          Bộ Chính trị đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.

Ông Đinh Tiến Dũng bị xác định có vi phạm, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo khi giữ cương vị ở Bộ Tài chính.

          Tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật về hoạt động công chứng

Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu  bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Công chứng để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành. Việc sửa đổi Luật Công chứng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức, hoạt động của công chứng đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đề ra là phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. 

          Các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; chức danh trợ lý công chứng viên; quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng; mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng; mở rộng quyền lựa chọn mô hình của các văn phòng công chứng; bổ sung trường hợp tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng; cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính… Đồng thời đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính xác thực và hợp pháp của nội dung bản dịch; cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên…

                           Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường về Luật Công chứng

          Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, hiện nay, các giao dịch hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật và các văn bản như là Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Theo đại biểu Lã Thanh Tân, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng như đã nêu. 

           Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo Luật. Quy định này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức…

                            Chính phủ trình Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng

Chiều 25-6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7- 2024.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội việc thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1-7-2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7- 2024

Đồng thời, thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Thứ nhất, giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1-7-2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Với chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dành cho cơ quan, đơn vị thực hiện khen thưởng định kỳ, đột xuất với người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có thành tích tiêu biểu, vượt trội trên lĩnh vực công tác khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề rất mới và nguồn này là không nhỏ.

          Thứ hai, giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7-2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).

Thứ ba, đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6-2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1-7- 2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 1-7-2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6-2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1-7-2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Chính phủ cũng kiến nghị điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.

Cụ thể, tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, đồng thời đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.

Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Đề cập đến đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định dù tổng nguồn rất lớn và có tăng so với phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, song Chính phủ đánh giá đảm bảo được bằng các nguồn tích luỹ, nỗ lực tiết kiệm chi, tăng thu và các nguồn liên quan. Đây là phương án tốt nhất có thể, tinh thần chung tạo tâm trạng xã hội hài lòng. Bộ trưởng đề nghị  lan toả tinh thần này để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nỗ lực cao hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương và đất nước.

                                               Trình Quốc hội xem xét gia hạn khoản vay gần 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14.

Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14.

Theo đó, trong giai đoạn 2020-2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines -VNA) đã triển khai và hoàn thành gói hỗ trợ về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng (vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng), đạt được các kết quả tích cực.

VNA đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp tự thân để xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được VNA triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7-12/2024 VNA phải trả khoản vay này.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh khó lường và tác động đến VNA nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng Nghị quyết Quốc hội. Thêm vào đó, các giải pháp tái cơ cấu của VNA đến nay chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Vì vậy, VNA cần được các cấp thẩm quyền cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ VNA có thời gian triển khai tái cơ cấu thành công, giúp VNA tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024, không xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, hãng hàng không quốc gia, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, duy trì việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ… góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phiên họp ngày 25-6 của Quốc hội

Phó thủ tướng nêu rõ, trường hợp VNA không được gia hạn khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7-2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của VNA với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến VNA có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác, phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, theo tính toán, VNA cần được gia hạn khoản vay tái cấp vốn thêm tối đa 3 năm (đến ngày 31-12-2027). Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm để giảm áp lực dòng tiền, bảo đảm thanh khoản, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu.

Phó thủ tướng cũng thông tin, 3 ngân hàng MSB, SeaBank và SHB đều phản hồi tích cực về việc tiếp tục cho VNA vay tái cấp vốn trong trường hợp các cấp thẩm quyền chấp thuận. VNA cam kết bảo đảm có đủ tài sản để thế chấp các ngân hàng trong giai đoạn gia hạn khoản vay tái cấp vốn.

Chiều 25-6, Quốc hội thảo luận tổ về cải cách tiền lương và gia hạn khoản vay cho VNA. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì thảo luận tại tổ 4 của đoàn Hải Phòng cùng đoàn Bắc Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kon Tum. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các phương án được Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra. /.

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông