Quốc hội tham gia ý kiến vào các dự án Luật

17:21 02/11/2022

Ngày 2-11, Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Giá (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

                                            Đoàn đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật

            Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cùng đoàn An Giang và Bình Dương. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

                          

Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.

           Góp ý vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị quy định rõ trách nhiệm pháp lý của tổ chức khởi tạo và cung cấp thông tin dữ liệu; quy định trách nhiệm của các chuyên gia; tiêu chí, tiêu chuẩn của những người tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu để bảo đảm các yếu tố quốc phòng an ninh; bổ sung quy định giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu

          Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương phân tích, làm rõ một số nội dung cơ bản, những điểm mới của dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Theo đó, đã bổ sung các quy định bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong thời kỳ chuyển đổi số; bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng.

                    

Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu

          Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho rằng, quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở cả 3 cấp (UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) trong dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) còn chung chung, chưa rõ và đề nghị cần chỉ rõ thẩm quyền của từng cấp. Đại biểu cũng đề nghị, các quy định về quản lý hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, hòa giải ở địa phương, bảo đảm quyền lợi trong các hoạt động đặc thù cần cân nhắc, tính toán tới tính khả thi, đặc biệt là nguồn lực của cấp huyện, cấp xã. Đồng thời xem xét, bổ sung quyền lợi của người tiêu dùng trong mua bán qua mạng, qua sàn thương mại điện tử.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi phát biểu

           Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cả 2 dự án Luật còn có những quy định chưa rõ ràng, chung chung và còn chồng chéo; một số vấn đề diễn ra trong cuộc sống hàng ngày chưa được đưa vào Luật. Đại biểu đề nghị phần kiểm soát của Nhà nước trong dự án Luật Giao dịch điện tử cần phải được nhấn mạnh rõ hơn bởi những năm tới là thời đại của xã hội số, nếu thiếu sự kiểm soát của Nhà nước sẽ gây những hậu quả khó lường. Đồng thời, cần quy định chế tài đủ mạnh và cụ thể rõ ràng hơn mới có thể xử lý được các vấn đề phát sinh trong thực tế.        

                                     Đổi mới, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn tại kỳ họp Quốc hội    

              Thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp vào thời điểm này là kịp thời. Theo đại biểu, nếu Kỳ họp là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, thì thảo luận là trung tâm trong hoạt động của Kỳ họp. Cho rằng hoạt động thảo luận của Quốc hội hiện nay còn phần nhiều là tham luận, đại biểu cho rằng, cần đổi mới căn bản nhất là đổi mới phương thức thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

      

Quang cảnh phiên họp chiều 2-11

           Đại biểu đề nghị cần định nghĩa rõ hai hình thức thảo luận, là thảo luận ở tổ, ở đoàn. Đây là bước để sàng lọc vấn đề, để khi thảo luận tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý kiến khác nhau.

           Đại biểu cũng cho rằng, việc đổi mới phương thức thảo luận sẽ nâng cao năng lực tranh luận, tranh biện của đại biểu Quốc hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đại biểu đề nghị cần thay đổi phương thức thảo luận tại tổ, chuyển đổi mạnh mẽ từ tham luận sang tương tác, biện luận trực tiếp, cụ thể, cần có thay đổi trong thủ tục tiến hành thảo luận tại tổ, thủ tục thảo luận tại các phiên họp toàn thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tọa phiên họp, đảm bảo phiên họp diễn ra với hiệu quả cao, đạt được kết quả thực chất.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu

           Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, với những phiên họp có quá nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, cần rút ngắn thời lượng phát biểu của các đại biểu ngay từ đầu phiên họp, tránh tình huống rút ngắn thời gian của các đại biểu phát biểu sau, không đảm bảo tính bình đẳng trong tổ chức phiên họp.

          Để nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng, chiến lược khác do Quốc hội quyết định, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết.

          Về lựa chọn nội dung chất vấn để tránh trùng lặp, đại biểu đề nghị Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn như số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn, các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm./.

                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích