Quốc hội thảo luận dự luật phòng, chống tác hại thuốc lá

15:16 23/05/2012

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 22-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiếnkhác nhau của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Còn nhiều vi phạm về quản lý hoạt động mua bán thuốc lá
Còn nhiều vi phạm về quản lý hoạt động mua bán thuốc lá

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, nêu rõ những điểm còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật: về tính khả thi của các hành vi bị nghiêm cấm; việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Thảo luận về thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), Phạm Đức Châu (Quảng Trị)... đồng tình với việc cần thiết thành lập quỹ.

Về nguồn thu của quỹ, các đại biểu tán thành với phương án Quỹ được thành lập từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%; đồng thời huy động thêm từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế và nguồn thu hợp pháp khác nhằm xã hội hóa Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mặc dù việc quảng cáo thuốc lá bị cấm, nhưng quy định về việc cho phép trưng bày chưa chặt chẽ dẫn đến nhà sản xuất “lách luật”.

Điều 25 của Luật quy định, người chịu trách nhiệm tại các đại lý bán lẻ, các điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao hoặc một tút/hộp của một sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá. Nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn, quy định này có thể bị lợi dụng, vì thực tế, người bán có thể trưng bày nhiều bao hoặc tút/hộp của các sản phẩm thuốc khác nhau của cùng một nhãn hiệu thuốc lá, và có nhiều điểm để trưng bày. Như vậy, vô hình chung đã tạo ra hiệu ứng quảng cáo khá lớn.

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) đề nghị nên quy định chặt chẽ và hạn chế hơn nữa, như chỉ trưng bày không quá một bao hoặc một tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Tại phiên thảo luận, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng ý với quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá, sau này tùy tình hình Chính phủ có thể quy định diện tích tăng trên mức 50% như quy định tại khoản 6 Điều 15 của dự thảo Luật…

Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề quảng cáo, số lượng thuốc lá trong mỗi bao, hình thức xử lý vi phạm, trách nhiệm người hút thuốc lá... Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, nhất là trong việc điều hành để bảo đảm sự phối hợp xử lý vi phạm theo quy định, việc quản lý thị trường, cấm buôn lậu thuốc lá...

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật phòng chống rửa tiền...

TTX


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông