17:56 04/06/2022 Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án án Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tần số vô tuyến điện. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn Bắc Ninh, Kiên Giang.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ
Sửa đổi điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện để phù hợp với thực tế
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng, đại biểu Quốc hội Hải Phòng nêu rõ: Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện được bổ sung khoản 4 như sau: “Trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.
Theo đại biểu Vũ Thanh Chương, không thể sử dụng mạng thông tin sử dụng tần số cho mục đích kinh tế xã hội để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của nhà nước. Đại biểu lý giải về yêu cầu về bảo mật, các mạng di động sử dụng tần số cho mục đích kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện hành được thiết kế ngay từ đầu cho các thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với yêu cầu bảo mật ở mức độ thấp hơn nhiều so với mạng phục vụ liên quan đến mục đích quốc phòng, an ninh và khi sử dụng các cơ chế bảo mật sẽ tốn kém thêm rất nhiều chi phí.
Việc nâng cấp để có được các cơ chế bảo mật đạt yêu cầu không thể thực hiện được sau khi mạng đã hoạt động và đang cung cấp dịch vụ. Do đó các mạng này không thể đáp ứng được các yêu cầu để bảo mật phục vụ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, các quy trình vận hành, khai thác hiện hành các mạng công cộng cũng không đảm bảo được yêu cầu bảo mật đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Trong khi đó, đối với mạng lưỡng dụng, thiết kế ngay từ đầu phục vụ quốc phòng, an ninh với yêu cầu an toàn, bảo mật cao, đảm bảo an toàn thông tin cho quốc phòng, an ninh, đồng thời vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khi cần thiết. Một số nhiệm vụ có tính chất bí mật thì không thể phối hợp để thông báo yêu cầu nhằm nâng mức ưu tiên sử dụng tài nguyên của mạng lưới để phục vụ công việc, bởi chính sự phối hợp này có thể dẫn đến mất an toàn, an ninh thông tin, lộ bí mật nhà nước.
Do đó, phương châm mỗi khi phục vụ các phương án quốc phòng, an ninh chỉ những thuê bao phục vụ quốc phòng, an ninh mới được hoạt động, các SIM khác sẽ được tạm thời từ chối các dịch vụ để phục vụ an ninh, an toàn cho các sự kiện, các sự vụ thì mạng quốc phòng, an ninh sở hữu sẽ đáp ứng được tức thời, bí mật và an toàn hơn.
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Vũ Thanh Chương đề nghị chỉnh sửa khoản 4 Điều 45 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện theo hướng: "Đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế xã hội phải lập phương án sử dụng băng tần, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo nguyên tắc phương án sử dụng không làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông".
Ngoài ra, đại biểu Vũ Thanh Chương cũng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn tác động chính sách này, đặc biệt là tác động đến thị trường viễn thông. Việc phân bổ băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích kinh tế xã hội chỉ áp dụng trong một số trường hợp không mang tính chất thường xuyên, trên thực tế xảy ra không nhiều. Do đó để Thủ tướng Chính phủ quyết định là phù hợp.
Đồng thời nhấn mạnh, việc sử dụng băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích kinh tế xã hội phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện như không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; có cơ chế quản lý vận hành minh bạch, công khai, hiệu quả, tuân thủ luật pháp; kết hợp mục đích kinh tế - xã hội chỉ diễn ra khi các điều kiện về hạ tầng nhân sự, bối cảnh kinh tế- xã hội cho phép phải được các bộ, ban, ngành thống nhất và được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Giữ nguyên tên gọi Luật Dầu khí (sửa đổi)
Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết cơ quan chủ trì soạn thảo giữ tên gọi của dự án luật là Luật Dầu khí (sửa đổi) để bảo đảm bảo tính kế thừa liên tục của pháp luật về dầu khí, không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí đã ký kết, đặc biệt là không để xảy ra những sự hiểu lầm đối với các nhà thầu hiện hữu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu về dự án Luật Dầu khí
Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật quy định điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí hay gọi là hoạt động thượng nguồn; không điều chỉnh hoạt động trung và hạ nguồn. Làm rõ điều này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành và xét thấy cần phải có sửa đổi. Nếu như không có những quy định đặc thù của hoạt động này sẽ không thu hút được thành phần tham gia. Các quy định về hoạt động thượng nguồn trong Luật Dầu khí hiện hành có nhưng không đủ rõ và không bảo đảm hệ số an toàn cho hoạt động ở thượng nguồn.
Thảo luận tại tổ 12 về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Trong khi đó, các hoạt động trung và hạ nguồn bao gồm vận chuyển, xử lý chế biến dầu khí hiện nay đang điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như là Luật Đầu tư xây dựng, môi trường hay là đất đai. Trong quá trình triển khai thực hiện nhận thấy các hoạt động ở hạ nguồn không vướng bởi luật nên Ban soạn thảo đã điều chỉnh một cách phù hợp.
Làm rõ các vấn đề mà báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu như về trường hợp triển khai dầu khí theo chuỗi đồng bộ, nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí, về điều tra cơ bản, lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, hợp đồng dầu khí, ưu đãi trong hợp đồng dầu khí, công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện dự thảo Luật.
Theo đó sẽ tiếp tục rà soát kỹ hơn về kỹ thuật soạn thảo văn bản để làm rõ nội hàm về chức năng, nhiệm vụ của PVN, với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền, nghĩa vụ như là các nhà thầu khác theo quy định; thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, cụ thể hóa tối đa dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, bảo đảm hiệu lực thi hành của pháp luật phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng khẳng định Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo cùng với các bộ ngành sẽ tiếp tục tiếp thu để hoàn chỉnh trình Kỳ họp thứ 4 có chất lượng tốt nhất.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết và quan trọng bởi trong thời gian dài nữa đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế biển, đóng góp cho đất nước và đặc biệt bảo đảm an ninh quốc phòng/.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn