Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035

12:07 20/06/2024

Sáng 19-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

                                                           Băn khoăn về tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng

           Một số đại biểu băn khoăn về tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng trong chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035…

          Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá, phạm vi và quy mô chương trình này là rất lớn, với 10 nội dung thành phần và hàng trăm các hoạt động chi tiết.  Đại biểu cho rằng, đây là  "rừng chi tiết", nên cần đánh giá hết sức rõ, lĩnh vực nào cần được ưu tiên và quan tâm thực hiện và đề nghị Chương trình MTQG phải bám sát quy định Luật Đầu tư công cho phù hợp, những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ thì nên rà soát lại.

          Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc tổng mức đầu tư 256.000 tỷ đồng được tính toán căn cứ vào đâu và đề nghị làm rõ tính khả thi, căn cứ về nguồn vốn. So với các Chương trình triển khai trước đây về văn hóa thì chương trình lần này lớn hơn rất nhiều, lớn hơn hàng chục lần, nên phải làm rõ, cần có trách nhiệm với từng đồng tiền mà Quốc hội bỏ ra.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) 

           Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, tổng mức đầu tư Chương trình Chính phủ đưa ra là quá lớn so với thực lực ngân sách, lớn hơn gấp 14 lần so với số thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2020. Theo đại biểu, cơ sở pháp lý, thực tiễn cho tổng mức đầu tư của Chương trình cũng chưa đầy đủ. Hiện vẫn chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, chưa có tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất con số hơn 256.000 tỷ đồng của Chương trình là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công.

           Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, tờ trình có nêu căn cứ đề xuất tổng mức đầu tư là báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, chính báo cáo của Hội đồng thẩm định nhà nước cũng khẳng định: “Chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của Chương trình trong giai đoạn 2026 – 2030”. Bên cạnh đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, chưa rõ cơ sở khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn. Đại biểu đề nghị, cần rà soát thận trọng, thu hẹp mục tiêu trên cơ sở đầy đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn, từ đó đưa ra con số phù hợp đảm bảo hài hòa, công bằng với các mục tiêu bức thiết khác.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) 

          Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho biết, dự kiến tổng các nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2035 là 122.250 tỷ đồng; giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương và địa phương chiếm vai trò chủ đạo.

          Tuy nhiên, theo đại biểu, trong bối cảnh hiện nay, 3 Chương trình MTQG (về nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số) cũng đang có nhu cầu thực hiện tiếp ở giai đoạn 2025 - 2030. Do đó, đại biểu  đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát tổng mức đầu tư vốn gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện, gây lãng phí.

           Đối với các nội dung thành phần chưa xác định được tổng mức đầu tư theo nguồn dự kiến từng năm, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị nghiên cứu, làm rõ hơn dự kiến đối với từng dự án thành phần, gồm kinh phí Trung ương, địa phương và huy động; phân định rõ giữa Trung ương, địa phương để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ và bố trí nguồn kinh thực hiện. Đại biểu cũng nêu rõ, tỷ lệ vốn đối ứng tại ngân sách địa phương là 24,6% khá cao, nhất là đối với địa phương khó khăn, chưa đảm bảo khả năng tự cân đối ngân sách.

                                Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa

           Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, cộng đồng dân cư vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa, lan tỏa, lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Cụ thể, cần thiết kế chính sách rõ nét hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ tăng cường nguồn lực xã hội cho hoạt động văn hóa mà còn tạo ra sự gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển nhất thiết phải có văn hóa, văn hóa phát triển nhất thiết phải có nguồn lực kinh tế hỗ trợ.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhấn mạnh mục tiêu Chương trình hướng đến nhiều người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức thiết chế văn hóa trên phạm vi không gian rộng lớn. Đại biểu cho rằng, sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư là cơ sở bảo đảm sự thành công của Chương trình nói riêng cũng như sự nghiệp văn hóa nói chung, với tư cách người dân là chủ thể sáng tạo, làm nên văn hóa và cũng là người thụ hưởng giá trị văn hóa mang lại.

 Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân, cộng đồng dân cư vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, thực hành văn hóa, lan tỏa, lưu truyền và phát triển giá trị văn hóa. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa./.

                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông