Quốc hội thảo luận về các chính sách thuế

11:00 21/11/2023

Chiều 20-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc giảm thuế giá trị gia tăng.

                                    Nghiên cứu các chính sách ưu đãi mới để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

          Thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các chính sách ưu đãi đầu tư song hành để tiếp tục thu hút đầu tư; bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch hơn.

Quôc hội thảo luận về các chính sách thuế

Các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Vì sự cần thiết này, đa số đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp này, để bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự tiến bộ, minh bạch trong hệ thống quản lý thuế; khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới…

          Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết này dự kiến sẽ có tác động rất lớn, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)

          Đưa ra vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, song hành với việc ban hành Nghị quyết, Chính phủ cần trình Quốc hội thêm Nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn. Qua đó, đáp ứng cùng lúc hai mục tiêu là thúc đẩy được dòng vốn đầu tư chất lượng cao vào nền kinh tế nước ta, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế, không đi ngược với xu thế hội nhập. Trong khi chưa ban hành được Nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, Quốc hội cần khẳng định trong Nghị quyết chung tại Kỳ họp thứ 6 về việc Quốc hội sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng để yên lòng các nhà đầu tư chiến lược.

          Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhận thấy, hiện Chính phủ chưa có đánh giá tác động toàn diện khi thực hiện nhưng đây là một xu thế và việc đánh giá tác động này, đặc biệt với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chưa được đánh giá, và nguy cơ các nước thứ ba có thể thu hoàn thuế bổ sung.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

          Đại biểu cho rằng, nếu như chúng ta không kịp thời ban hành Nghị quyết này trong bối cảnh chưa sửa được Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì việc ban hành Nghị quyết này là hết sức cần thiết.

          Theo đại biểu, việc thực hiện Nghị quyết sớm sẽ tạo điều kiện thu được tới 14.600 tỷ tiền thuế bổ sung của 122 tập đoàn và tránh cạnh tranh không công bằng, ưu đãi quá mức cho các doanh nghiệp cơ sở của các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp cho các nước OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ. Qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.

          Vì vậy, song song với việc ban hành Nghị quyết này, cần nhìn trước các rủi ro, có thể thị trường Việt Nam sẽ kém hấp dẫn hơn  với các nhà đầu tư FDI thì chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ bổ sung.

Bên cạnh việc cần sớm đánh giá toàn diện tác động, Chính phủ cũng nên nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, trong đó nên nhấn mạnh chính sách phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ, bởi vì công nghiệp hỗ trợ chính là điều giữ chân các doanh nghiệp FDI tốt nhất và Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn thay vì hiện nay là các giá trị xuất khẩu.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi)

          Cũng cho rằng đây là nội dung tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, trong đó có thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Nghị quyết; tích cực thực hiện các giải pháp triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đồng thời, trình các chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ với hoàn thiện hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về tài chính hoặc thực hiện phân bổ nguồn thu thuế bổ sung này để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó thu hút các nhà đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia.

                              Làm rõ một số quy định trong Nghị quyết

          Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, dự thảo Nghị quyết quy định việc thu thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam cũng liên quan trực tiếp đến nội dung phân chia quyền đánh thuế quốc tế đối với các tập đoàn đa quốc gia thuộc diện điều chỉnh của nhiều nước có liên quan. Do vậy, khi thực hiện có thể dẫn đến khả năng vướng mắc, khiếu nại về số thuế phải nộp, về cách tính toán… của các doanh nghiệp là thành viên tập đoàn đa quốc gia.

           Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, các cơ quan quản lý liên quan chuẩn bị các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết được thuận lợi, tránh phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế như Cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện với các quốc gia hoặc doanh nghiệp có liên quan...

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) 

          Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Việt Nam có chuẩn mực tài chính kế toán riêng, nên nếu sử dụng cụm từ "chuẩn mực tài chính kế toán" được chấp nhận và "chuẩn mực tài chính kế toán phải áp dụng" tại các điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết những vấn đề kỹ thuật có thể dẫn đến tranh chấp. Ngoài ra, cần làm rõ quy định về năm tài chính theo căn cứ của Việt Nam hay theo quy định của quốc gia khác.

          Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cũng nêu vấn đề, tại khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định: “Trường hợp tập đoàn đa quốc gia có nhiều hơn 1 công ty thành viên nộp thuế tại Việt Nam, thì công ty mẹ tối cao tại nước ngoài có văn bản thông báo chỉ định một trong những công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu; trường hợp tập đoàn đa quốc gia không thông báo chỉ định công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ chỉ định”.

           Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, quy định như vậy là đúng nhưng cần có những nguyên tắc để chỉ định. Bởi, nếu hai công ty thành viên ở hai địa phương khác nhau, mà cơ quan thuế chỉ định doanh nghiệp ở một địa phương đóng, thì vô hình chung làm cho môi trường đầu tư của địa phương đó không được tốt như địa phương còn lại. Chính phủ cần hướng dẫn rõ điều này để bảo đảm nguyên tắc chỉ định sao cho thật bình đẳng, công bằng giữa 63 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

          Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhất trí với sự cần thiết phải sớm ban hành một Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đồng thời lưu ý, phải có chính sách ưu đãi đầu tư song hành để "giữ chân" các nhà đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư; đánh giá kỹ tác động để quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải pháp để bảo đảm môi trường đầu tư...

          Đối với đề nghị “sửa đổi toàn diện các quy định có liên quan cho phù hợp với tình hình mới, có tính toán đến các ưu đãi đối với các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư tại Kỳ họp này và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ xây dựng một Nghị định phù hợp với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực cần được ưu đãi, với các chính sách phù hợp.

                   Tiếp tục giảm thuế VAT 2% là cần thiết

           Tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT cho thấy, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.

Trong đó cần tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2%; xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

           Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

          Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Báo cáo thẩm tra nêu rõ, việc giảm thu tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế nên cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây, thể hiện qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (trong đó, đặc biệt là tỷ lệ huy động từ thuế và phí) trên GDP đang trên đà suy giảm, năm 2023 và dự kiến cho 2024 đã thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra; nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dự kiến cho năm 2024 đã tiệm cận mức 25% thu ngân sách nhà nước.

           Mặc dù vậy, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế VAT để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.Nhiều đại biểu ghi nhận và đánh giá cao  thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành một cách rất quyết liệt, căn cơ, đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

          Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), 2 lần hỗ trợ giảm thuế VAT 2% đã tác động tương đối tích cực, hiệu quả trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân từng bước ổn định sản xuất kinh doanh; giúp đời sống của người dân trở lại tương đối bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi và tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp giảm một phần chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định phát triển kinh tế về lâu dài.

          Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp trong nước trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn, thách thức nhiều hơn, sức ép về lạm phát còn cao, tăng trưởng có thể đạt thấp so với kế hoạch đã được đề ra, do đó cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

         Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đồng tình với quy định thời gian áp dụng của nghị quyết là từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024 và có cơ chế mở ra là sau ngày 30/6/2024 nền kinh tế chung của đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp hoạt động còn trở ngại. Việc giao cho Chính phủ có tờ trình căn cứ vào tình hình thực tiễn đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng và báo cáo lại cho Quốc hội tại kỳ họp gần nhất là cần thiết.

          Cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ

          Góp ý về phạm vi áp dụng, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phân tích, dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng tương tự như Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, bối cảnh ban hành Nghị quyết 43 là thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau.

Vì vậy, Nghị quyết 43 chỉ giảm thuế VAT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế VAT 10%. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết 43 cũng đang rất khó khăn như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, đánh giá kỹ lưỡng theo tình hình thực tế hiện nay để quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) 

           Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) vẫn băn khoăn quy định đối tượng áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng theo đề xuất của Chính phủ đã loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.

           Theo đại biểu, cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường, có những doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực nên việc phân biệt đối xử giảm thuế giá trị gia tăng vừa gây khó khăn cho công tác hạch toán, vừa tạo sự phức tạp cho quản lý doanh nghiệp, cả quản lý yếu tố đầu vào, đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thực tế, không ít doanh nghiệp hoạt động trong những sản phẩm dịch vụ bị loại trừ khỏi danh sách đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

          Với dự báo khó khăn cho tăng trưởng kinh tế sẽ kéo dài đến hết nửa năm 2024 nên Chính phủ đề xuất thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng dự định chỉ 6 tháng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024, dự kiến giảm ngân sách nhà nước khoảng 4.175 nghìn tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, kinh tế tài chính quốc tế trong nước năm 2024 sẽ còn bất định kéo dài, diễn biến khó lường và doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn cần được trợ lực thực chất.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Quốc hội cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 để tạo nền tảng vững chắc hơn cho phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây. Giảm thuế giá trị gia tăng cũng thực hiện minh bạch, không hình thức và không khó thực hiện như gói hỗ trợ lãi suất 2%.

           Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng lưu ý, thực hiện việc giảm thuế giá trị gia tăng là điều đáng mừng, nhưng trong đó có một số doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, hóa đơn đầu vào 10%, khi chính sách áp dụng còn 8% làm doanh nghiệp mất 2% doanh thu dẫn đến cắt giảm ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp, nên các cơ quan ban hành hướng dẫn các địa phương để thanh toán 2% giá trị hợp đồng như đã ký trước khi chính sách ban hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

          Đồng tình quan điểm của đại biểu cho rằng cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023 mà cần đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để bảo đảm chính sách ban hành có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng Nghị quyết, vừa không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước nói chung và thu ngân sách của các địa phương nói riêng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga  cũng đề nghị cần xem xét tách bạch việc tăng, giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa theo quy luật với việc tăng, giảm do tác động của chính sách. Khi tách bạch như vậy, những đánh giá sẽ chính xác hơn để làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách tiếp theo./.

                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông