23:06 10/06/2022 Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, ngày 10-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1); dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên thảo luận
Cần tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) bày tỏ đồng tình cao với việc đầu tư 3 dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ 13 của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo đại biểu, các dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội lần thứ 13 của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) phát biểu
Về giải phóng mặt bằng và khai thác vật liệu đắp nền, đại biểu cho biết tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp. Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.
Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh kết nối hạ tầng các đường cao tốc này với hạ tầng giao thông và hoạt động logistics để phát huy tiềm năng phát triển của các địa phương có tuyến đường đi qua.
Chú ý mở các đường giao thông kết nối với đường cao tốc
Đại biểu Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) thống nhất với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đầu tư đường cao tốc Châu Đốc Cần Thơ Sóc Trăng, bởi thực tế vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt về nông nghiệp, thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng mức tiềm năng và lợi thế, đời sống người dân còn khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) phát biểu
Đại biểu nêu 4 đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm triển khai hiệu quả dự án:
Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án trong trường hợp dự án vượt tổng mức đầu tư; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp không vượt tổng mức đầu tư của dự án. Đây là giải pháp cần thiết để kịp thời tháo gỡ về thủ tục, đáp ứng tiến độ triển khai dự án.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng cao tốc nên đặc biệt chú ý mở các đường giao thông kết nối vào đường cao tốc để rút ngắn tối đa cho các địa phương có đường cao tốc.
Thứ ba, bên cạnh đầu tư giao thông đường bộ, cần quan tâm thêm giao thông đường thủy nội địa cho đồng bằng sông Cửu Long để lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, nhằm nâng cao liên kết vùng, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế của vùng.
Thứ tư, đề xuất Chính phủ sớm đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa, sớm đưa Nghị quyết 13 ngày 2 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị vào cuộc sống, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng giao thông.
Cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc và thể chế đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế. Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Đại biểu khẳng định, việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là một quyết sách chiến lược, đáp ứng cùng một lúc, đa mục tiêu. Thứ nhất đó là biện pháp đột phá để thúc đẩy giải lần đầu tư công là giải pháp kinh điển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế nước nào cũng phải áp dụng. Thứ hai sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như hiện nay.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phát biểu
Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, thời gian qua Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị tích cực cho dự án này. Qua thảo luận nhiều đại biểu đồng ý với chủ trương phát triển hai tuyến đường này, đại biểu cũng hy vọng Quốc hội sẽ thông qua chủ trương này. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng các tuyến đường này như là mẫu hình của tư duy mới, của sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị; tư duy mới của sự đột phá phát triển, của tầm nhìn tổng thể và tư duy mới của sự minh bạch; tư duy mới của một chính sách bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Trong quá trình triển khai dự án, chúng ta không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các địa phương, tinh thần đổi mới sáng tạo của họ, mà còn phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh các quyết sách trong việc đưa ra thể chế đặc thù, cần có những chính sách đặc thù bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới.
Cần có cơ chế thống nhất trên toàn tuyến
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao việc đầu tư tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh theo Tờ trình của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc cấu trúc đô thị với hệ thống đường vành đai và xuyên tâm là mô hình phổ biến trên thế giới đang áp dụng. Các cấu trúc vành đai và xuyên tâm kết hợp với vùng lõi là ô bàn cờ với các tuyến xuyên tâm vành đai kết hợp các tuyến giao thông công cộng, vận chuyển hành khách lớn như Metro, BRT…
Các trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh được bố trí theo các hệ đường vành đai và xuyên tâm kết hợp với các trung tâm lõi mạnh là tầm nhìn vào các cấu trúc của đô thị hiện đại, văn minh của các đô thị trên thế giới.
Trong vùng thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 3, vành đai 4 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết phải đầu tư ngay. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kết nối với các tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam và trực tiếp chạy qua Hưng Yên, Bắc Ninh và kết nối một số vùng đậm nét văn hóa, nhất là văn hóa kinh bắc với quỹ đất và không gian phát triển vô cùng tiềm năng cho phát triển du lịch, văn hóa, công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) phát biểu
Đại biểu nhấn mạnh, với hệ thống đại đô thị thì việc hoàn thiện các hệ thống đường vành đai và xuyên tâm vô cùng quan trọng, do đó làm càng sớm càng tốt. Theo đại biểu, yếu tố quan trọng để làm nên thành công của dự án là các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình qua nhiều tỉnh, vì vậy cần có một cơ chế thống nhất về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến.
Đặc biệt, phải có Ban chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền. Theo kinh nghiệm, trong quá trình triển khai dự án sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho Ban Chỉ đạo này, với các vấn đề phát sinh mới chỉ cần báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thì có thể giải quyết.
Cần chú trọng bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện 2 dự án đường vành đai
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) đánh giá cao quyết tâm chính trị của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện nhiều nhiệm vụ phải triển khai trong nhiệm kỳ này. Đại biểu cho rằng cả hai dự án này đều đầy đủ cơ sở về chính trị, pháp lý, thực tiễn, rất cấp bách về nhu cầu, sẽ tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo cơ hội, dư địa để thực hiện đột phá về thể chế, về phát triển nguồn nhân lực.
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) phát biểu
Theo đại biểu, về ngắn hạn, các dự án này tạo cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, tạo doanh thu, tạo việc làm cho người lao động. Về dài hạn, hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cần có các cơ chế đặc biệt, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, nếu cần thì cho phát hành trái phiếu để thu hút nguồn lực.
Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với phương án giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch, quy mô hoàn chỉnh để tiết kiệm chi phí, sớm đảm bảo đời sống của nhân dân.
Cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc
Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu dẫn chứng về việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu
“Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại”.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh, việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.
Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước. Những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét. Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên là khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành nên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này nó sẽ bị lãng phí.
Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này. Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Đại biểu cho rằng khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhấn mạnh một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP.Hồ Chí Minh gặp phải. Đại biểu cho biết đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) phát biểu
Đại biểu đặt vấn đề làm sao để hai dự án tránh đi vào lối mòn của các siêu đô thị trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên và không gian tắc nghẽn để trở thành những đô thị hiện đại có chức năng dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển cả nước. Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, đại biểu lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistics, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Đại biểu cũng lưu ý khi triển khai dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3. Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đề nghị Quốc hội cho theo phương án như Chính phủ trình là cho được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, cần phải xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp trên tuyến kết nối dự án đường vành đai 3 và vành đai 4. Theo đại biểu đã đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.
Tranh luận về thẩm quyền chỉ định thầu
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn là do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.
Mặt khác, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là 2 công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ “cầm trịch”, nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)
Theo đại biểu, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão