19:52 16/01/2024 Ngày 16-1, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025…
Chính phủ trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù
Trình bày tờ trình về “dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội 8 cơ chế, chính sách đặc thù.
Thứ nhất, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia. HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Thứ hai, về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Theo đó, HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được chuyển sang năm 2024. UBND cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.
Thứ ba, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, UBND cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Trường hợp HĐND cấp tỉnh đã ban hành quy định, UBND cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư, về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước).
Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa để bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.
Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan. Trong đó, đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân. Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).
Phương án 2: Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án. Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công cho phép địa phương sử dụng vốn cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.
Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất 02 phương án về cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 để Quốc hội quyết định.
Phương án 1: Chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024-2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Phương án 2: Thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024-2025 như đề xuất tại Tờ trình số 686/TTr-CP ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện (01 huyện) thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024-2025.
Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, trên cơ sở thực tiễn triển khai và nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.
Cụ thể, các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn. Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và đảm bảo không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn.
Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 1 năm 2024 cho đến khi có quy định mới. Cơ chế, chính sách quy định tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết để điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn hằng năm không áp dụng đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn nước ngoài.
Đề nghị phân bổ vốn để cấp điện cho Côn Đảo
Trình bày Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về việc phân bổ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022, phương án phân bổ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đã được Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm phù hợp với tiêu chí sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Dự kiến phân bổ cho 5 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng; An ninh; Quản lý nhà nước; Khoa học công nghệ; Giao thông; bố trí 50 nhiệm vụ, dự án, trong đó có 9 dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, 500 tỷ đồng bố trí cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; 57.735 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông... Đến nay có 33 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn với số vốn là 33.156,987 tỷ đồng. 17 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, hồ sơ đề nghị phân cấp làm cơ quan chủ quản theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.
Chính phủ cũng đề nghị phân bổ 2.526,16 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Quy định cụ thể, làm rõ hơn về cơ chế đặc thù, thời gian thực hiện
Sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về nội dung này. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận ở tổ 4 cùng đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu; Thừa Thiên- Huế; Lai Châu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng. Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự thảo luận.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, việc phân bổ vốn dự phòng năm 2022 là theo thông lệ, quan trọng là bảo đảm phân chia hợp lý. Chính phủ đã đề xuất cơ cấu phân chia ưu tiên mạnh cho hạ tầng giao thông, QPAN và một số lĩnh vực khác để bảo đảm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay, thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển.
Liên quan tới 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, đây là cơ chế mạnh mẽ chưa từng có, Chính phủ rất nỗ lực, cố gắng để đề xuất. Bởi 8 cơ chế đều vượt lên trên luật, tổng hợp từ rất nhiều chính sách, quy định; mở ra các cơ chế giải ngân, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nguyên tắc lớn nhất là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở; tăng cường kiểm tra giám sát trong đó có vai trò của đại biểu Quốc hội. Vấn đề đặt ra là có nên phân cấp cho huyện, xã hay không thì cần cân nhắc kỹ hơn để bảo đảm năng lực thực hiện. Cùng với đó, phải bảo đảm quản lý chặt chẽ ngân sách. Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đây không phải là cơ chế thí điểm mà là cơ chế đặc thù, nếu được Quốc hội thông qua sẽ có tác động rất lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Lã Thanh Tân , Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhất trí với sự cần thiết và các nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết. Với quy định về cơ chế thứ 5, đại biểu đồng tình với phương án thứ nhất; về cơ chế thứ 7 đồng tình với phương án thứ 2. Về thời gian điều chỉnh, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng chưa rõ và đề nghị có sự làm rõ, khẳng định thực hiện các cơ chế này ở giai đoạn nào.
Theo đại biểu, trong thiết kế của dự thảo nghị quyết có nêu sẽ báo cáo Quốc hội đầu năm 2026. Đây là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ và chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới nên làm rõ và quy định cụ thể hơn.
Chiều 16-1, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các nội dung này./.
Hồng Thanh
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết