Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều ý kiến về tự chủ bệnh viện

16:30 24/10/2022

Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập tới tự chủ bệnh viện, đề nghị bổ sung quy định về tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, tiêu chí phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ bảo đảm kinh phí, đồng thời cần đi kèm tự chủ về hoạt động chuyên môn, tự chủ về nguồn nhân lực hay quyền được mua sắm đấu thầu.

 

Quang cảnh phiên thảo luận

                                                                               Làm rõ về tự chủ bệnh viện

      Về cơ chế tài chính, tự chủ tài chính của bệnh viện công lập và xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) cho rằng, vướng mắc trong cơ chế tài chính hiện nay tập trung vào ba vấn đề: đó chính là giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tự chủ của bệnh viện công lập và đấu thầu.

                             

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) 

          Theo Đại biểu Dương Tấn Quân, việc giao dự toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa đảm bảo giá dịch vụ y tế,  chưa tính đúng, tính đủ chi phí. Trong các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên, còn nhiều rào cản về tổ chức, nhân sự trong tự chủ về thuốc và vật tư y tế. Hiện các bệnh viện đang loay hoay không biết mua sắm như thế nào cho đúng và có tình trạng nhân viên y tế giảm thời gian làm chuyên môn để tập trung vào  nghiên cứu việc mua sắm, đấu thầu cho đảm bảo.

           Hiện các bệnh viện không chỉ thiếu thuốc mà sắp tới thì có thể sẽ thiếu một số trang thiết bị y tế do hư hỏng mà không sửa được như các máy kỹ thuật cao. Đây là các loại máy độc quyền. Vì vậy Đại biểu Dương Tấn Quân  đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét thấu đáo việc thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ sống pháp luật về cơ chế tự chủ đối với sự nghiệp công lập, y tế công lập, liên doanh, liên kết đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và chính sách liên quan để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, phù hợp với tình hình mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống y tế công lập.

                            

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

          Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết, trong 121 Điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106. Đó là chi của ngân sách cho tự chủ. Trong khi đó vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu cho rằng cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó.

          Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp. Hồ Chí Minh)cho rằng, những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao.

                                               

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp. Hồ Chí Minh)

           Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực… Đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về chức năng của các tổ chức nghề nghiệp, trong đó làm rõ việc giám sát, kiểm tra, cấp phép, phát huy vai trò của hội nghề nghiệp để đảm bảo nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cần đầu tư nhiều hơn nữa, tham khảo các mô hình, nâng cao cơ chế, chính sách đối với nhân lực y tế để giải quyết dứt điểm các vấn đề thực tế đã đặt ra

           Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

          Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị. 

          Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.

          Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

           Đại biểu hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.

          Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), nhiều nội dung quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cái cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân. Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?

                                                          Làm rõ mô hình  Hội đồng Y khoa quốc gia

          Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định liên quan đến giấy phép hành nghề. Trước đây quy định cấp một lần nhưng hiện nay có thời hạn 5 năm và giao Hội đồng y khoa quốc gia là cơ quan đánh giá sát hạch; cần làm rõ mô hình của Hội đồng y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào…

                                       

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) 

          Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) cho rằng, trong dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.

          Đại biểu K'Nhiễu (Lâm Đồng) cũng cho rằng, không nên quy định Hội đồng Y khoa do Nhà nước thành lập, mà nên là một tổ chức độc lập, do Bộ Y tế thành lập và chủ trì để thực hiện đúng chức năng là đơn vị, cơ quan tham mưu cho Chính phủ.

          Tranh luận với đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định thì sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đại biểu đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên cần tổ chức thực hiện cho đúng.

                      

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) 

          Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về Hội đồng y khoa quốc gia, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế.

          Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa./.

                                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông