Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

17:48 24/06/2024

Sáng 24-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đây là đạo luật rất quan trọng, liên quan tới công tác phòng, chống mua bán người, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua, bán người, hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Dự án luật đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.

Bổ sung khái niệm hành vi mua bán người

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho biết, tên gọi của dự thảo Luật là Luật Phòng, chống mua bán người nhưng phạm vi điều chỉnh lại chỉ quy định phòng ngừa là chưa phù hợp. Theo đại biểu, ý nghĩa giữa thuật ngữ "phòng ngừa" và "phòng chống" không giống nhau. Do đó đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng luật này quy định về phòng, chống, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người. 

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý vào khái niệm “mua bán người” tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật. Đại biểu bày tỏ băn khoăn về khái niệm này vì thực tế hiện nay ngoài mua, bán người, còn xảy ra tình trạng mua bán thai nhi. Theo quy định pháp luật, khi thai nhi được sinh thành công, đứa trẻ ra đời thì hành vi đó được xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đứa trẻ không được sinh ra do các rủi ro khi mang thai, nhưng đã có hành vi thoả thuận đặt hàng, trao đổi thai nhi trước đó thì hành vi này được xem xét, xử lý như thế nào. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tiếp tục hoàn thiện khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật để bao quát được hết các hành vi xảy ra trên thực tế, từ đó có các biện pháp, chế tài thích đáng.

 Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong tham gia phòng, chống mua bán người, đại biểu đề nghị bổ sung quy định, việc đưa các thông tin, câu chuyện, hình ảnh…(kể cả đã được thay đổi tên, che mặt) của nạn nhân, người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân phải được sự đồng ý của người đó để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của nạn nhân.

 Về trách nhiệm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được quy định tại Điều 20 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần quy định rõ hơn, đề cao vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ hơn nữa trong phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân mua bán người để tạo cơ chế thuận lợi cho Hội liên hiệp phụ nữ các cấp tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.

Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.

 Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên.

Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay. 

 Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình

           Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020 mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước riêng năm 2022 số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ. 

 Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

 Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.  Về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Theo đại biểu, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Trên thực tế,  tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Ưu tiên nguồn lực cho các địa phương biên giới

 Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) đề nghị cần rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án Luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác. Ví dụ như tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. 

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận)

 Tuy nhiên, ở khu vực biên giới, tình hình mua bán người cũng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp nên cần nghiên cứu bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hằng năm. 

Mặt khác, tại điểm d, khoản 1, Điều  60 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND các cấp: “Trình Hội đồng nhân dân cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nên nghiên cứu lại điều khoản này, bởi vì nếu giao cho các địa phương tự bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người sẽ rất khó cho các địa phương nhất là các các địa phương nguồn thu ngân sách thấp sẽ khó khăn trong việc bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cũng đề nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, Chương 2 của dự án Luật quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhưng Điều 7 nội dung dự án Luật quy định còn chung chung. Tại Khoản 2 quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao. 

Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới. Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới.

  Qua báo cáo thống kê thì hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, trong dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm. Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

  Tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội

 Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

 Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án Luật khi thảo luận tại tổ và tại hội trường. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8./.

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích