Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

17:05 01/11/2022

Ngày 1-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); thảo luận về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và thảo luận tổ về Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

                                                                   Chính phủ trình Quốc hội Luật Đất đai (sửa đổi)

            Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

          Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Phó thủ tướng Lê Văn Thành trình bày Tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

          Những tồn tại, bất cập nêu trên, theo Phó thủ tướng Lê Văn Thành, có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

            "Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"-  Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh. 

          Theo đó, dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Chính phủ đã gửi Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bản so sánh những nội dung mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với Luật Đất đai 2013.

          Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng nêu rõ, các chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật là: quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội; về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất; về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường; uy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích; về chuyển đổi số và cải cách hành chính; về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

                                                    Quy định cụ thể để tránh thu hồi đất tràn lan

          Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết số 18); phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

                                  

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

          Ủy ban Kinh tế nhận thấy về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

       Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề.

          Cụ thể, về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 131), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đối với các dự án đầu tư vào khu vực hạn chế sử dụng đất; đồng thời có cơ chế và chế tài để kiểm soát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp này.

                      

Quang cảnh phiên họp

          Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất (mục 2 Chương IX), Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết số 18.

      Rà soát, bảo đảm phân biệt rõ giữa trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, xác định thứ tự ưu tiên áp dụng đấu giá hay đấu thầu trong trường hợp có dự án vừa đáp ứng điều kiện đấu giá và đấu thầu. Tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến về các điều kiện đối với đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm phù hợp, khả thi.

      Bên cạnh đó, cân nhắc kỹ lưỡng quy định cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện khi quỹ đất này chưa được giải phóng mặt bằng tại thời điểm đấu giá.

          Về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (Điều 138), cũng đề nghị quy định chặt chẽ hơn về việc chuyển mục đích sử dụng đất trong trường hợp này; tiếp tục rà soát để bảo đảm tính tương thích với các quy định tại Điều 85, Điều 86 và các quy định khác có liên quan trong dự thảo Luật.

           Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ trong phiên họp sáng 3-11 và thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày 14-11. 

                 

Quang cảnh phiên họp sáng 1-11

        Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội lưu ý, cần làm rõ hơn các quy định về giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ; đồng thời, rà soát kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật…

                                                      Rà soát kỹ các điều khoản và chỉnh lý phù hợp

           Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị rà soát kỹ các điều khoản về giải thích từ ngữ và một số nội dung để đảm bảo sự tường minh, khả thi.

           Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, Điều 2 trong dự thảo Luật có quy định, đối tượng áp dụng của Luật là: Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có các giao dịch với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Trong đó, chưa có giải thích rõ ràng về 2 đối tượng áp dụng là: Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.

           Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung nội dung giải thích rõ về các đối tượng này. Đại biểu cũng đề nghị chỉnh lý khoản 6, Điều 3 trong dự thảo Luật. Cụ thể, dự thảo Luật quy định: Chuyển tiền điện tử là bất kỳ giao dịch nào được thực hiện theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính bằng phương tiện điện tử nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể là người khởi tạo.

                                              

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) 

          Để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, đại biểu đề nghị sửa đổi thành: Chuyển tiền điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng.

          Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, khoản 1 Điều 17 quy định: Cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cấp cao trong các cơ quan, tổ chức của nước ngoài và tổ chức quốc tế. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là không rõ ràng cấp cao là cấp nào, trong các cơ quan tổ chức nào, để có cơ sở xác định đúng đối tượng. Đại biểu đề nghị xem xét quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính minh bạch và khả thi trong áp dụng pháp luật.

          Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 17 quy định, đối tượng báo cáo phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu: Có hệ thống quản lý rủi ro phù hợp nhằm xác định khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; người thụ hưởng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi của người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; Được sự chấp thuận của quản lý cấp cao theo quy định nội bộ trước khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh với khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. 

          Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chung chung, khó thực hiện, chưa rõ cơ quan quản lý cấp nào chấp nhận, quy định nội dung, nội bộ trong đối tượng báo cáo, mặt khác, với các đối tượng báo cáo là các tổ chức kinh doanh, trò chơi điện tử có thưởng, casino… thì khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, ra vào thường xuyên, nên khó có thể xác định cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị. Đại biểu đề nghị xem xét quy định cụ thể hơn về nội dung này.

                                       Tăng cường kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản

         Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên -Huế) quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.

          Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung cụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.

                         

 Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên -Huế) 

           Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài.

          Để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản, đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo thì sẽ phù hợp hơn với các thời hạn báo cáo, thời hạn thì họ giao dịch.

                                             Tăng cường phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản

           Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho biết, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.

          Đại biểu nêu rõ việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

          Do đó để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.

                      

 Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An)

          Đồng thời, bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày; khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần. Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, rửa tiền, áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề, đấu giá thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.

          Đại biểu Thái Thị An Chung cũng nhấn mạnh cần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản.

                                                          Chống rửa tiền qua hình thức đầu tư

          Nêu thực tế nhiều nguồn vốn được đổ vào nước ta thông qua các hình thức đầu tư, đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng, nguyên nhân tiềm ẩn tội phạm tài chính trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam là rất đáng quan tâm. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền lần này là một dấu mốc quan trọng để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, là một trong những yếu tố then chốt để phát hiện, ngăn chặn và sửa chữa kịp thời các hành vi rửa tiền, thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền trong thời gian tới.

                               

Đại biểu K’Nhiễu (Lâm Đồng)

           Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu K’Nhiễu đề nghị xây dựng Luật dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành. Đồng thời rà soát nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu nhấn mạnh, khi sửa đổi các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cần đánh giá tới mức độ thực tiễn về tính khả thi, tức là từ các nguồn lực để tổ chức thực hiện, lộ trình thực hiện của các quy định được sửa đổi, bảo đảm các đối tượng báo cáo, các cơ quan quản lý nhà nước đều có thể hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình.

                                

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang)

          Đồng tình với đại biểu K’Nhiễu,đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, thận trọng các nội dung của dự thảo Luật với các bộ Luật, Luật hiện hành như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Kinh Doanh bảo hiểm, Luật Doanh nghiệp,… và kể cả dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp này.

          Đại biểu lưu ý, các quy định trong dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi với các quy định hiện hành. Đơn cử như các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin, nhận biết khách hàng hoặc thông qua thuê tổ chức khác, bên thứ ba lưu trữ thông tin tại Luật An ninh mạng hiện hành cũng như dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

                                 Xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo lên 500 triệu đồng

          Liên quan tới quy định giao dịch có giá trị lớn tại khoản 5 Điều 3, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) kiến nghị, nên quy định cụ thể mức ngày trong tuần để dễ theo dõi, thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này.

       Thực tế quy định mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong 10 năm vừa qua cũng không thay đổi. Hiện nay mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18-4- 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo. Vì vậy, có thể xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo có thể là 500 triệu đồng.

                                             

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa)

           Về giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo quy định tại Điều 25, đại biểu đề nghị loại bỏ giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo của các doanh nghiệp, trừ trường hợp đặc biệt trong đó có tổ chức hành nghề luật sư vì giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện qua ngân hàng một cách công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, ngân hàng phải báo cáo các giao dịch lớn thì cần ứng dụng công nghệ để các doanh nghiệp nhận tiền khác không cần phải báo cáo, tránh 1 giao dịch phải báo cáo 2 lần./.

                                                                                                                                               Hồng Thanh

         

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông