Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi 2 luật về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam

12:13 03/06/2023

Thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều 2- 6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc quản lý cư trú đối với người nước ngoài, đặc biệt là đối với nhóm người không quốc tịch và người có quốc tịch nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam trong sửa đổi Luật thời gian tới.

                                           Đồng bộ hóa các quy định, tạo thuận lợi tối đa cho công dân

         Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư...

                

Đại biểu  Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

         Tán thành các nội dung được đề xuất, sửa đổi đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nêu quan điểm về cấp hộ chiếu gắn chip điện tử, đại biểu  Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nêu rõ, từ ngày 1-3-2023, Bộ Công an đã thực hiện việc cấp hộ chiếu gắn chip.Tại 2 cửa khẩu quốc tế quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang thực hiện việc lắp đặt cổng kiểm soát tự động để triển khai tự động hóa thủ tục kiểm tra, kiểm soát đối với việc nhập cảnh của công dân Việt Nam có sử dụng hộ chiếu gắn chip mà không cần có cán bộ quản lý xuất, nhập cảnh. Như vậy, hộ chiếu gắn chip có tính thực tế cao, tạo thuận lợi hơn cho người dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

       Tuy nhiên, khoản 2, Điều 6 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện đang quy định hộ chiếu gắn chip chỉ được cấp cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên khi có yêu cầu và không cấp cho công dân dưới 14 tuổi. Theo đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ, việc quy định như vậy là chưa phù hợp, nhất là khi dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cũng do Bộ Công an soạn thảo và trình Quốc hội tại kỳ họp này đã đề xuất việc cấp thẻ căn cước công dân cho cả trẻ em chưa đủ 14 tuổi.

                                

Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận

     Do đó, đại biểu đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 6 và một số điều khoản có liên quan ngay trong lần sửa đổi này để bảo đảm đồng bộ hóa các quy định, tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh.

      Liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông quy định tại Điều 15, Điều 16 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cần rà soát toàn diện hơn các quy định tại 2 Điều luật này để đơn giản hóa hơn nữa các loại giấy tờ có liên quan, tận dụng tối đa tính liên thông sẵn có của cơ sở dữ liệu quốc gia đã được kết nối và phù hợp với yêu cầu giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu hoàn toàn theo phương thức trực tuyến.

                                               Tạo thuận lợi cho khách nước ngoài

         Về cấp thị thực cho người nước ngoài và thời hạn thị thực, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) thống nhất với việc tăng thời gian thị thực cho người nước ngoài được cấp mã thị thực EV, tức là cấp thị thực điện tử từ 30 ngày sang 3 tháng. Tuy nhiên, theo đại biểu, nên ghi trong dự thảo Luật là 90 ngày vì đối với các nước khi cấp thị thực ngắn hạn đều ghi theo ngày mà không ghi theo tháng. Thị thực này có giá trị 1 lần trở thành có giá trị 1 hay nhiều lần, theo đại biểu, cũng là điều rất thuận lợi.

                                    

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) 

       Một số đại biểu cũng đề nghị, cần cân nhắc tạo thuận lợi hơn trong các quy định về quá cảnh đối với người nước ngoài tại Điều 23 dự thảo Luật; xem xét tạo điều kiện cho người quá cảnh đủ điều kiện được ra ngoài khu vực quá cảnh mà không cần thị thực để tham quan du lịch trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là miễn phí trong 48 giờ và thu phí nếu vượt quá 48 giờ. Điều này đã được áp dụng rất thành công tại nhiều quốc gia khác; điều chỉnh theo hướng này cũng sẽ góp phần thu hút đáng kể khách quốc tế quá cảnh tại các sân bay, bến cảng và kết hợp tham quan du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển./.

                                                                                                                                           Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông