16:18 24/11/2023 Sáng 24-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đường bộ.
Bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) nhận thấy, có một số nội dung trong 2 dự án Luật tiếp tục chồng lấn, một số nội dung cùng quy định ở cả 2 dự án Luật nên dễ gây khó khăn, trùng lặp trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật Đường bộ quy định là Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy giao thông. Còn theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của Luật TTATGTĐB, Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin, tình hình giao thông thuộc Vụ chỉ huy điều hành giao thông.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin cần phải thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của hai loại Trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực.
Về một số nội dung được quy định đồng thời trong hai dự thảo Luật như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô và việc vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, khi thực hiện mà phải áp dụng cả hai Luật dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện, cần phải tích cực rà soát hai dự án Luật này để xử lý các vướng mắc nêu trên, đảm bảo thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phản ánh,việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.
Chú trọng phát triển các công trình ngầm
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)bày tỏ thống nhất về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai Luật nhằm điều chỉnh hai lĩnh vực quan trọng khác nhau, đó là trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội và xây dựng, phát triển quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa tinh thần của Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Góp ý về Luật Đường bộ, đại biểu cho biết, với xu thể phát triển công trình ngầm trong phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và rút kinh nghiệm một số nước trên thế giới, đề nghị bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Đây là hình thái phát triển đô thị lấy phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị....
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long)đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ các khái niệm về hoạt động đường bộ do trong dự thảo Luật 24 khái niệm và 16 khái niệm đường chuyên dùng để có cách hiểu thống nhất và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, về các hành vi nghiêm cấm, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm hành vi cấm là điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trái với quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh trong hoạt động thực thi các quy hoạch…
Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)cho biết, tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt”. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp. Phát triển vận tải hành khách công cộng có nhiều loại hình, nhiều loại phương tiện, nên quy định chung theo hướng “ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lớn” để bảo đảm bao quát hơn. Khối lớn là thuật ngữ chuyên ngành gồm hệ thống đường sắt đô thị (đường tàu điện ngầm, đường tàu điện đi trên mặt đất, đường tàu điện trên cao, đường sắt một ray tự động dẫn hướng, đường xe điện bánh sắt), hệ thống xe buýt (xe buýt nhanh- BRT, xe buýt).
Cùng với đó, cần bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cho phù hợp với Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư và yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời cần cụ thể hóa chính sách ưu tiên phát triển đường bộ phục vụ các đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai...) trong các điều luật của dự thảo Luật.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật đề cập một trong các nguyên tắc hoạt động đường bộ là thân thiện môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo luật mới chỉ đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ điện mà chưa đề cập tới phương tiện đường bộ sử dụng động cơ khí CNG, LNG, sau này là Hydro. Đây đều được coi là phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện môi trường. Theo đó, đại biểu đề nghị cần rà soát, thay thế cụm từ “trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện” thành “trạm sạc/nạp cho phương tiện đường bộ sử dụng động cơ thân thiện với môi trường” trong toàn bộ dự thảo Luật.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cũng đề nghị,về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, cần bổ sung quy định về ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe điện. Hiện nay đã hình thành loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe điện, dự báo loại hình này sẽ phát triển trong thời gian tới.
Đại biểu đề nghị cần có chính sách ưu tiên để phát triển thành phương tiện phổ thông, phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần phát triển giao thông xanh, bảo vệ môi trường./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão