14:53 27/10/2022 Ngày 27-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
Bảo đảm tăng trưởng cao nhưng phải bền vững
Các đại biểu Quốc hội đanh giá rất cao thành tựu nổi bật về phát triển KTXH 9 tháng năm 2022 với nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, theo các đại biểu, khó khăn, thách thức vẫn rất lớn và cần có các giải pháp căn cơ để duy trì mức tăng trưởng cao và bền vững.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu một số thách thức, bất cập. Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng lại thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 - năm mà bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch COVID-19. Thực tế, cả nước trong 5 năm chỉ có 5.000 dự án nhưng ở đâu cũng thấy mắc, giải ngân rất là chậm. Gói đầu tư phát triển với 176.000 tỷ đồng đến nay giải ngân rất thấp. Đơn cử như 40.000 tỷ đồng dành cho hỗ trợ 2% lãi suất qua ngân hàng thương mại đến nay mới giải ngân đạt 13,5 tỷ đồng, khoảng 0,03%.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu rõ, nếuđánh giá thật đầy đủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn, tuy Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn còn chưa thoát nghèo, thoát được khó khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức…
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh)đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Tiền lương chậm được điều chỉnh, làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức chuyển sang khu vực tư.
Về phương hướng cho năm 2023, đại biểu đề nghị cần thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục phòng, chống đại dịch COVID -19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác; theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý. Đại biểu cũng đề nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất 7 giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thứ nhất, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp; thu hút FDI có chọn lọc; tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nhất là dịp lễ tết, quan tâm hơn nữa đến thu nhập cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông; không để thị trường xăng dầu bj đứt gãy; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một số nơi tại cơ sở khám, chữa bệnh ….
Nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng
Đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho biết gỡ bỏ thẻ vàng Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam là một trong những vấn đề đối ngoại cần nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. Bởi vì nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ gây ra những tác động không nhỏ đối với hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như những thiệt hại về kinh tế trong lĩnh vực thủy sản, tác động trực tiếp đến đời sống sinh kế của một bộ phận ngư dân Việt Nam.
Đại biểu cho biết tình trạng ngư dân Việt Nam đi biển đánh bắt cá bất hợp pháp không được báo cáo và không được kiểm soát đã diễn ra nhiều năm. Tháng 5-2017, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo và yêu cầu ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng này. Đến tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu đã chính thức áp dụng thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam với lý do là những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ và chưa hiệu quả.
Trước tình hình đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng thẻ vàng của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được gỡ bỏ. Thậm chí, với các vụ việc vi phạm gần đây của tàu cá Việt Nam ở một số vùng biển có thời điểm có thể dẫn đến việc Ủy ban châu Âu sử dụng thẻ đỏ đối với ngành thủy sản. Nếu như vậy thì tất cả các sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và rất có thể cũng bị nhiều nước khác trên thế giới áp dụng tương tự. Khi đó thiệt hại kinh tế là sẽ rất lớn.
Trước tình hình trên, đại biểu Lê Anh Tuấn đề xuất Chính phủ tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, ngư dân, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của ngư dân và các cơ quan quản lý, các lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển về thực trạng các ranh giới biển. Đẩy mạnh việc đàm phán hoạch định vùng, chồng lấn với các nước liên quan để sớm có đường phân định cuối cùng hoặc thỏa thuận áp dụng giải pháp tạm thời hợp tác phát triển chung vùng chồng lấn đảm bảo công bằng về quyền và nghĩa vụ cho các bên, sớm đạt được thỏa thuận bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế biển cả. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần có phản ứng kịp thời để đấu tranh thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân.
Tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao chất lượng CBCC, viên chức
Đối với việc có gần 40.000 CBCC, viên chức nghỉ việc, đại biểuTô Văn Tám (Kon Tum) đề xuất thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý; quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc; cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, việcđiều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý. Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay... Từ những kiến nghị của cử tri, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1-7-2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1-1- 2023.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đặt vấn đề lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu đề nghị, nếu năm 2023 phát triển kinh tế - xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như ba năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương và đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm. Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng đề cập đến tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân mà chạy trước”. Câu chuyện giá lương tiền cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm…. Vì vậy, tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thực sự có giá trị đối với người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề cập về việc năng lực của một số cán bộ còn hạn chế, vẫn còn tâm lý nghe ngóng, sợ không dám làm một số nhiệm vụ được giao...Nhiều cán bộ công chức còn đùn đẩy, né công việc. Tâm lý này đã ảnh hưởng rất lớn đến triển khai, thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân. Nếu nói nguyên nhân là do vướng mắc của triển khai chính sách pháp luật thì chưa đủ mà qua nghiên cứu, tìm hiểu thì nguyên nhân chính là do con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Vì vậy, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cũng đề cập vấn đề cải cách thể chế; khắc phục tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ công chức.
Theo đại biểu, về thể chế, hiện nay, chúng ta vẫn chưa có những cải cách đủ mạnh để tạo lập một thể chế mạnh mẽ và hiệu lực cao cho những nhiệm vụ sống còn. Vì vây, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới cần quyết liệt hơn giải quyết các bài toán lớn về năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt là cải cách thể chế để bộ máy công quyền có thể phát huy tối đa tiềm năng, vị thế và trách nhiệm trước đất nước của mình.
Đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay có một bộ phận không nhỏ công chức của chúng ta rất có năng lực nhưng lại thiếu động lực, hoặc giống như một số cầu thủ bóng đá có cá độ hoặc đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, có tính sống còn hay chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu còn cần họ.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, việc cấp bách hiện nay là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì tổ quốc. Đại biểu tin rằng họ rất cần được cả xã hội cổ vũ, ủng hộ hết mình để làm nên những kỳ tích mà cả dân tộc có thể tự hào, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả nhiều thế hệ mai sau. Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình và quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, nhiều người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó.
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số
Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia, là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.
Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 của châu Á. Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về sở hữu tiền kỹ thuật số. Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3000% về giá trị so với năm 2016. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba về thu hút vốn khởi nghiệp, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44 trên 132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.
Đại biểu cũng đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời cũng như thống nhất với quan điểm định hướng chiến lược của Chính phủ trong Quyết định 411 về chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2025, định hướng năm 2030.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 đạt tỷ trọng 20 % GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10 %; đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20 % là những mục tiêu rất thách thức.
Bên cạnh một số kết quả ấn tượng, câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam cũng đang đối diện với không ít thách thức về thể chế, về đo lường quy mô kinh tế số; vấn đề dữ liệu lớn và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số; chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, rủi ro an toàn, an ninh mạng; sở hữu trí tuệ, văn hóa số, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số, mức độ sẵn sàng và thực thi chuyển đổi số của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Để hợp lực chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, đại biểu Lê Hoàng Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế số, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế hơn nữa, đặc biệt là một số nội dung rất cấp thiết.
Theo đó, sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo vệ mỏ vàng của kinh tế số; ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để hỗ trợ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các mô hình kinh kinh doanh số, tài sản số, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, bất động sản số, bảo hiểm số, giáo dục số và y tế số. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không theo doanh thu. Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần sớm nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương; xây dựng cơ chế thúc đẩy, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng chương trình hành động triển khai Chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế số.
Siết chặt quản lý đất đai
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhấn mạnh, đất đai là lĩnh vực có nhiều băn khoăn, trăn trở và thách thức.
Theo đại biểu, Hiến pháp khẳng định rõ đất đai thuộc ở hũu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Quyền lực rất lớn trao gửi cho bộ máy Nhà nước nên làm sao sử dụng hiểu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân là trách nhiệm cao cả.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đại biểu, còn nhiều thách thức. Đó là hiệu quả sử dụng đất chưa cao; số thu ngân sách từ đất liên tục tăng nhưng cơ bản tăng thu từ thị trường sơ cấp, còn đầu tư không tăng cao.
Lãng phí đất đai là tình trạng nhức nhối với hơn hàng triệu mét vuông đất đang để hoang hoá, sử dụng sai mục đích mà tiền thu được chỉ 286 tỷ đồng. Giám sát ở 7 địa phương thì có hơn 1.700 dự án treo, tương ứng hơn 12 nghìn hecta đất, là thực tế đau lòng, gây bức xúc người dân.
Đề cập nguyên nhân, đại cho rằng, hoàn thiện thể chế đang được quan tâm và sắp tới Quốc hội bàn sửa luật Đất đai. Nhưng ở trách nhiệm quản ý nhà nước, tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai. Bên cạnh nhiều địa phương đang tích cực thu hồi đất hoang hoá, nhưng có nơi sau mỗi nhiệm kỳ thì số lượng dự án treo tăng thêm. Rồi hiện tượng lạm dụng quyền lực để trục lợi từ đất đai mà báo cáo kiểm toán chỉ ra như biểu hiện lợi ích nhóm, vi phạm đấu thầu, giao đất không qua đấu giá..
Bên cạnh đó trách nhiệm công quyền của một số trường hợp không cao. Một bộ phận cán bộ phần thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
Cũng theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trách nhiệm liên quan đất đai không chỉ của địa phương mà còn có cả các bộ ngành, nhưng khi địa phương gửi văn bản hỏi về các trường hợp vướng mắc thì câu trả lời luôn là “cứ thực hiện theo quy địn của pháp luật” ngay cả khi pháp luật chưa quy định hay quy định khác nhau. Như vậy, vướng mắc không thể giải quyết, gây bức xúc, thất vọng với nhiều địa phương.
Đại biểu cũng cho rằng còn tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm và điều này tạo sức ỳ, trì trệ. Dễ hiểu tại sao hiện nay có dự án hàng chục năm không tháo gỡ được vướng mắc.
Vấn đề đất đai phức tạp và không thể giải quyết một sớm một chiều, song theo đại biểu, người dân mong muốn quyết liệt hơn nữa xử lý vướng mắc, cần lộ trình, thời hạn cụ thể và nghị quyết hoá vì đây là thước đo hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội với nhiều ý tưởng mới nhưng đại biểu cho rằng cần trọng tâm, trọng điểm vì “giải quyết được những vướng mắc, bức xúc đang đặt ra đã là thành công quá lớn”.
Cùng với đó, cần xử lý nghiêm lối tư duy nhiệm kỳ. Bên cạnh nâng cao trách nhiệm thì có cơ chế minh bạch giữa đúng - sai rõ ràng để bảo vệ cán bộ. Đồng thời, tăng cường giám sát để không để xảy ra lạm dụng quyền lực hòng trục lợi.
Thúc đẩy các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động do thời tiết cực đoan, thiên tai
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) trăn trở về thiệt hại do thiên tai trong 9 tháng năm 2022 ước tính hơn 6.600 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đại biểu, thiên tai ngày nay đều gắn với nguyên nhân do biến đổi khí hậu.
Do đó, để góp phần thúc đẩy các mục tiêu về biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động do thời tiết cực đoan, thiên tai, đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị, để rừng trở thành lá chắn biến đổi khí hậu, trước mắt cần thay đổi ngay các định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng, đáp ứng nhu cầu thu nhập cơ bản của người dân, cộng đồng. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách trồng rừng gỗ lớn gắn với phát triển hệ sinh thái rừng, làm kinh tế dưới tán rừng, khai thác dịch vụ môi trường rừng và khai thác rừng bền vững, hạn chế thấp nhất việc khai thác trắng, khai thác sớm để cây đủ sức giữ đất, giữ nước.
Bên cạnh đó, cần tăng giá trị gỗ, cơ cấu lại tỷ lệ phân bổ ngân sách có tính đến yếu tố tỷ lệ che phủ rừng, diện tích rừng để các địa phương không phải chịu áp lực phát triển kinh tế dẫn đến chuyển đổi rừng, khai thác rừng sớm, thúc đẩy việc thu hút các nguồn tài chính gia tăng sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tài chính công phải phát huy vai trò và khu vực tư nhân là nòng cốt.
Nền kinh tế còn nhiều tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực này nên cần tiếp tục mở rộng hơn nữa. Đồng thời thị trường trao đổi các-bon cần được thúc đẩy, chính thức vận hành sớm hơn trước năm 2025 thay vì để đến năm 2028 hình thành. Hình thành Qũy biến đổi khí hậu để chủ động nguồn tài chính, cung cấp cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu như một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc đã thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn kèm theo các chế tài ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát, cảnh báo thiên tai như bảo vệ rừng, cảnh báo cháy rừng, cảnh báo sạt lở đất, giám sát môi trường… để hạn chế những thiệt hại trong thời gian vừa qua./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão