Quốc hội thảo luận về Luật Cảnh sát cơ động

16:51 26/05/2022

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá 15, sáng 26-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

                               Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng)  cho rằng, về giải thích từ ngữ, Khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật quy định, biện pháp vũ trang là cách thức, phương pháp sử dụng sức mạnh tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để Cảnh sát cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét cụm từ “sức mạnh tinh thần”, vì biện pháp vũ trang nghĩa là việc tiến hành những tác động vật chất cụ thể, mang tính cưỡng chế mạnh mẽ, nên dùng từ “sức mạnh tinh thần” tại điều khoản này trong dự thảo Luật là chưa phù hợp với tinh thần chung.

                                              Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) phát biểu

    Về vấn đề hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động, đại biểu chỉ ra rằng, theo Khoản 2, Điều 7, nội dung hợp tác quốc tế có bao gồm “các nội dung hợp tác khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động”. Quy định như vậy đã bó hẹp phạm vi hợp tác quốc tế của lực lượng này. Do đó, cần nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung này để bảm đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, tại điểm c Khoản 2 Điều 20 có quy định Tư lệnh Cảnh sát cơ động điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp “Các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách và đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an”. Đại biểu đề nghị thay cụm từ “đồng thời” bằng từ “kịp thời” để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện làm nhiệm vụ trong thực tế.

    Đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) đánh giá dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tương đối hoàn thiện nhưng cần quy định giải thích rõ, biện pháp vũ trang  là cách thức, phương pháp sử dụng sức mạnh tinh thần, thể chất, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để Cảnh sát cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Theo đại biểu, dù khái niệm này đã được quy định trong Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và một số luật khác, nhưng đều chưa khẳng định cụ thể về biện pháp này, trong khi cảnh sát cơ động chủ yếu sử dụng biện pháp vũ trang để thực hiện nhiệm vụ, nên cần giải thích rõ trong Luật Cảnh sát cơ động, làm căn cứ cho việc thực hiện nhiệm vụ. 

    Về vị trí chức năng của cảnh sát cơ động, đại biểu tán thành quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo đại biểu, quy định như trong dự thảo Luật đã đảm bảo thống nhất chặt chẽ với quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Phòng, chống khủng bố.

     Theo đại biểu  Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), quy định vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố như dự thảo Luật sẽ gây khó hiểu, chung chung, thiếu cụ thể, thiếu chặt chẽ…  Dự thảo Luật cần phải quy định rõ việc cảnh sát cơ động vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để làm gì thì mới phải tuân thủ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Đại biểu lấy dẫn chứng, nếu họ chỉ vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thăm hỏi, chúc mừng bình thường mà cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố là chưa phù hợp. 

    Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ở mức độ như thế nào khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đảm bảo cụ thể, khả thi khi thi hành.

    Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cũng đề nghị làm rõ quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.  Đại biểu Lại Văn Hoàn (Thái Bình)  đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, làm rõ tính đặc thù của cảnh sát cơ động, trong đó cân nhắc bổ sung chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật của cảnh sát cơ động cho phù hợp với Luật Công an nhân dân và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ; làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp của cảnh sát cơ động với các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đại biểu cho rằng cần làm rõ các trường hợp nào là trường hợp cấp bách theo Khoản 1, Điều 16, cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị, người đang sử dụng điều khiển phương tiện, thiết bị để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ.

    Đại biểu Hoàng Quốc Khánh  (Lai Châu) cho rằng dự thảo Luật mới chỉ quy định các trường hợp chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, người phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ. Tuy nhiên trong thực tế, còn có những trường hợp họ không chống đối, không cản trở mà chỉ chậm trễ và gây khó khăn thì cũng cần bổ sung hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật.

    Bên cạnh đó, để đảm bảo tính chặt chẽ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm theo từng mức độ từ hành chính đến hình sự.

                                    

                                                            Đại  biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) phát biểu

   Theo đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai), quy định về đường bay, quản lý không lưu, quản lý hoạt động phương tiện bay đã được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng quốc tế cũng quy định rõ về vấn đề này. Vì vậy quy định nội dung này trong dự thảo Luật là chưa hợp lý, mà cần điều chỉnh bởi luật khác. Đại biểu đề xuất, trên cơ sở xem xét tính cần thiết, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thể xây dựng Nghị định về mối quan hệ phối hợp, quy chế phối hợp quản lý phương tiện bay để trình Thủ tướng ký ban hành.

    Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, ở các nước tiên tiến, các lực lượng cảnh sát, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư đều sử dụng máy bay, tàu ngầm, các phương tiện hiện đại để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc đối phó với tội phạm ma túy. Vì vậy đại biểu tán thành dự thảo Luật có quy định về việc sử dụng phương tiện hiện đại cho cảnh sát cơ động.

      Để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh trùng lắp, chồng chéo với địa bàn, phạm vi hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng khác. đại biểu Lê Ngọc Hải (Đắk Lắk) đề nghị bổ sung quy định địa bàn, phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động hoặc bổ sung một khoản vào cuối Điều 3 trừ địa bàn, phạm vi hoạt động đã được Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định.

   Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu, Khoản 3, Điều 10 của dự thảo Luật quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, hiện nay nhiệm vụ này đang được giao cho Bộ Quốc phòng, vì vậy cần quy định cụ thể rõ ràng việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với cảnh sát cơ động trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

   Về hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động, dự thảo Luật cần quy định rõ phạm vi nội dung, địa bàn hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động, tránh trùng lắp, chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ này với các lực lượng khác. Cùng với đó, đối với quyền hạn của cảnh sát cơ động trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân, để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để tránh các trường hợp lạm quyền trong thực thi công vụ.

    Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết thêm, một số khu vực cấm bay, hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ, lực lượng cảnh sát cơ động không thể tiếp cận và triển khai nhiệm vụ. Do đó, đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xác định cụ thể phạm vi khu vực cấm bay, hạn chế bay mà lực lượng cảnh sát cơ động có thể thực hiện nhiệm vụ.

                                                  

                                                 Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu

   Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 21 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại hội trường và 1 ý kiến tranh luận.

                              

                                Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận phiên  thảo luận

     Qua thảo luận, các đại biểu đã phát biểu hết sức thẳng thắn, tâm huyết về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.

     Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu còn tập trung thảo luận 4 nội dung trọng tâm, nhiều ý kiến các vị đại biểu phát biểu về các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm. Nhìn chung, các ý kiến đều sâu sắc, toàn diện, cụ thể, rõ ràng và có giá trị lý luận và thực tiễn. 

Trong đó, nhiều ý kiến đã tiếp tục đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật một cách rõ ràng ở từng điều Luật cụ thể như nội dung  giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn của lực lượng cảnh sát cơ động như: Về phạm vi điều chỉnh, tổ chức của lực lượng cảnh sát cơ động, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát cơ động…

                                                                                                                                   Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích